Ngày 22/07/2022, Trường Đại học Lao động – Xã hội trang trọng tổ chức Lễ ra mắt Tạp chí Nguồn nhân lực và An sinh xã hội và Tọa đàm “Định hướng phát triển Tạp chí Nguồn nhân lực và An sinh xã hội đến năm 2030 và Tầm nhìn đến năm 2045”.
Tham dự buổi lễ có NGƯT.TS Hà Xuân Hùng, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Lê Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Trường, Tổng biên tập Tạp chí Nguồn nhân lực và An sinh xã hội; GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam; GS. TS. Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ (dự trực tuyến)… cùng đại diện lãnh đạo các Tạp chí khoa học; các đồng chí trong Ban Giám hiệu; lãnh đạo các phòng, khoa trong Trường.
Các đại biểu nhấn nút ra mắt Tạp chí Nguồn nhân lực và An sinh xã hội
Phát biểu tại buổi lễ, NGƯT.TS Hà Xuân Hùng cho biết: Sau một thời gian chuẩn bị công phu, ngày 13/07/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 438/QĐ-BTTTT cấp giấy phép hoạt động cho Tạp chí Nguồn nhân lực và An sinh xã hội thuộc Trường Đại học Lao động – Xã hội với tôn chỉ, mục đích thông tin về hoạt động của Trường ĐH LĐXH; thông tin chuyên sâu, đăng tải kết quả nhiên cứu khoa học; hướng dẫn trao đổi kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về các lĩnh vực đào tạo của Trường.
NGƯT. TS Hà Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội phát biểu tại Lễ ra mắt Tạp chí
Ngay sau khi nhận được quyết định cấp phép xuất bản Tạp chí in, Nhà trường đã nỗ lực chuẩn bị để Tạp chí ra số đầu tiên vào tháng 12/2021. Đến nay, Tạp chí đã ra được 06 số với 40 bài nghiên cứu khoa học. Hiện Tạp chí cũng đã được cấp Mã số chuẩn quốc tế ISSN (International Standard Serial Number): 2815-5610; đồng thời được Hội đồng Giáo sư Nhà nước phê duyệt danh sách các tạp chí khoa học được tính điểm năm 2022 của 03/28 Hội đồng ngành/liên ngành: Ngành Kinh tế (Hội đồng ngành số 13); Ngành Tâm lý học (Hội đồng ngành số 20) và Liên ngành Triết học – Xã hội học – Chính trị học (Hội đồng liên ngành số 20). Tạp chí bước đầu được tính điểm: 0,25.
“Việc thai nghén để hình thành ra một Tạp chí là quãng thời gian dài, hết sức vất vả. Nhưng nuôi dưỡng để Tạp chí lớn mạnh, có chỗ đứng trong làng Tạp chí khoa học chuyên sâu, được Hội đồng Giáo sư Nhà nước ghi nhận với tính điểm cao hơn; được các nhà khoa học trong và ngoài Trường tin tưởng gửi đăng bài là cả một chặng đường dài đầy thách thức phía trước. Thay mặt cho Nhà trường chúng tôi cam kết các điều kiện về nguồn lực để tạp chí có đủ điều kiện phát triển, đó là: Nhà trường sẽ có chính sách riêng đối với các nhà khoa học trong và ngoài trường khi gửi đăng bài trên Tạp chí Nguồn nhân lực và An sinh xã hội; bố trí một ngân sách đủ lớn để đáp ứng các nhu cầu chi thường xuyên của Tạp chí; bố trí cán bộ có năng lực tham gia quản trị Tạp chí và Ban biên tập của Tạp chí; bố trí một Văn phòng làm việc riêng cho Tạp chí. Đồng thời, mong muốn Tạp chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; duy trì đều đặn mỗi tháng 01 kỳ, đủ 64 trang; các bài viết phải là những bài có chất lượng được Hội đồng biên tập phản biện và đồng ý cho phép đăng; ít nhất mỗi năm có một số đăng bằng Tiếng Anh và trong thời gian sớm nhất Tạp chí được Hội đồng Giáo sư nhà nước cho tính điểm 0,5” – NGƯT.TS Hà Xuân Hùng nhấn mạnh.
GS. TS. Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ phát biểu trực tuyến góp ý hướng phát triển của Tạp chí trong thời gian tới
Thay mặt lãnh đạo Tạp chí, TS. Doãn Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nguồn nhân lực và An sinh xã hội đã trình bày về mục tiêu và phương hướng phát triển Tạp chí đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Tạp chí sẽ tạo dựng, duy trì và không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu, đưa Tạp chí Nguồn nhân lực và An sinh xã hội trở thành tạp chí nghiên cứu hàng đầu, nơi đăng tải các nghiên cứu phục vụ hoạch định chính sách nguồn nhân lực và an sinh xã hội. Mục tiêu đến năm 2023, Tạp chí được đưa vào danh mục các tạp chí được tính điểm ngành Luật của Hội đồng Giáo sư Nhà nước; chậm nhất đến năm 2025, Tạp chí Nguồn nhân lực và An sinh xã hội được đưa vào danh mục các tạp chí được tính điểm từ 0 - 0,5 ở cả 4 ngành – liên ngành: Kinh tế, Tâm lý học, Luật và Triết học – Sử học – Xã hội học. Phấn đấu đến năm 2030, Tạp chí Nguồn nhân lực và An sinh xã hội trở thành tạp chí có uy tín hàng đầu trong cả nước, có điểm số được đánh giá theo quy định của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước tối thiểu là 0 - 0,75 ở cả 4 ngành – liên ngành và có ấn phẩm tạp chí phát hành bằng tiếng Anh cả trong và ngoài nước. Phấn đấu đến năm 2045, có điểm số được đánh giá tối thiểu là 0 - 1 ở cả 4 ngành – liên ngành và được vào danh mục Scopus.
PGS. TS Nguyễn Bá Ngọc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội đóng góp ý kiến xây dựng Tạp chí
“Để đạt được các mục tiêu này, Tạp chí sẽ chỉ đăng tải các bài báo khoa học đảm bảo chất lượng, thực hiện phương châm lấy chất lượng là tiêu chí hàng đầu, đảm bảo mỗi số tạp chí được phát hành có hàm lượng khoa học được đánh giá tốt bởi các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách; giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên và người đọc khác; thực hiện quy trình phản biện và sửa bài chặt chẽ để đảm bảo chất lượng bài báo. Mời những nhà khoa học có uy tín, có chuyên môn sâu làm phản biện cho các bài báo khoa học. Đồng thời, khai thác các bài báo nghiên cứu khoa học có chất lượng cao để đăng lên tạp chí, được trình bày theo chuẩn mực quy định của một bài báo khoa học. Ưu tiên đặc biệt trong việc đăng tải các bài báo khoa học được trình bày theo cấu trúc của một bài báo quốc tế và yêu cầu về bài báo của các tạp chí lớn của Việt Nam. Tạp chí cũng sẽ thu hút các nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế tham gia Hội đồng khoa học/ Hội đồng biên tập của để có định hướng và biện pháp hiệu quả nâng cao chất lượng và uy tín; xây dựng và gìn giữ mối quan hệ chặt chẽ với các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trong lĩnh vực nguồn nhân lực và an sinh xã hội để tạo đội ngũ viết bài và phản biện bài báo khoa học và góp ý và định hướng cho hoạt động của tạp chí”, TS. Doãn Thị Mai Hương cho biết.
Các đại biểu tham dự Lễ ra mắt và Tọa đàm về định hướng phát triển của Tạp chí Nguồn Nhân lực và An sinh xã hội
Tại buổi Tọa đàm “Định hướng phát triển Tạp chí NNL&ASXH đến năm 2030 và Tầm nhìn đến năm 2045”, các đại biểu đã được nghe 2 tham luận của GS. TS. Nguyễn Hữu Minh và TS. Lục Mạnh Hiển, nghe báo cáo chung của Ban biên tập Tạp chí Nguồn nhân lực và an sinh xã hội, nghe các đóng góp tâm huyết cho sự phát triển của tạp chí của GS. Trần Ngọc Anh, TS. Trần Mạnh Dũng, TS. Lê Xuân Sang và PGS. TS Nguyễn Bá Ngọc.
TS. Lục Mạnh Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội trình bày tham luận về việc nâng cao chất lượng các bài viết trên Tạp chí
Kết luận buổi tọa đàm, PGS. TS Lê Thanh Hà, Tổng Biên tập Tạp chí đã cảm ơn các chuyên gia và các nhà khoa học đến từ các Tạp chí khoa học và các viện nghiên cứu đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng về phương hướng phát triển Tạp chí trong thời gian tới. Theo đó, Tạp chí sẽ đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng và thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nhà trường tham gia viết bài; có quy trình nhận bài, biên tập và phản biện khoa học, hiệu quả; có giải thưởng cho những bài viết hay để khuyến khích các tác giả tham gia viết bài….
Đến nay, Tạp chí Nguồn nhân lực và An sinh xã hội đã xuất bản được 6 số
Tạp chí Nguồn nhân lực và An sinh xã hội có mã số chuẩn quốc tế ISSN: 2815-5610, xuất bản mỗi tháng/kỳ, 64 trang. Năm 2022, Tạp chí bước đầu được tính điểm 0,25. Mục tiêu đến năm 2023, Tạp chí được đưa vào danh mục các tạp chí được tính điểm ngành Luật của Hội đồng Giáo sư Nhà nước; chậm nhất đến năm 2025, được tính điểm từ 0 - 0,5 ở cả 4 ngành – liên ngành: Kinh tế, Tâm lý học, Luật và Triết học – Sử học – Xã hội học. Phấn đấu đến năm 2030, được tính điểm tối thiểu là 0 - 0,75 ở cả 4 ngành – liên ngành và có ấn phẩm tạp chí phát hành bằng tiếng Anh cả trong và ngoài nước. Đến năm 2045, có điểm số được đánh giá tối thiểu là 0 - 1 ở cả 4 ngành – liên ngành và được vào danh mục Scopus.
THÙY HƯƠNG
Nguồn Tạp chí Dân sinh