Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Lao động – Xã hội lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 - 2025
Hội thảo tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam
(15/11/2019)
Nằm trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu khoa học năm 2019 - 2020, chuỗi hoạt động chào mừng ngày Pháp luật Việt Nam 10/11 và Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2019, Khoa Luật Trường Đại học Lao động - Xã hội đã tổ chức Hội thảo tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
    Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mang đến cho Việt Nam và thế giới các cơ hội và thách thức rất lớn. Tuy nhiên, sự thay đổi đó đã khiến chúng ta phải tự đổi mới, cập nhật với tinh thần cầu thị, khát vọng chiếm lĩnh tri thức trong thời kỳ cách mạng công nghiệp. Đặc biệt, với những người làm công tác pháp luật thì việc tiếp cận những tri thức mới, sửa đổi và bổ sung pháp luật cho phù hợp với thực tế xã hội đang phát triển như vũ bão là yêu cầu cần thiết.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội, các nhà khoa học đến từ Cơ sở 2 - Trường Đại học Lao động - Xã hội,  với những bài tham luận tâm huyết và những phát biểu, tranh luận mang tính nghiêm túc, khoa học và thực sự cầu thị.
Tại Hội thảo, PGS. TS. Lê Thanh Hà - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Lao động - Xã hội đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến hệ thống pháp luật Việt Nam, đồng thời nêu ra những cơ hội cũng như những thách thức, áp lực hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện nay.
Hội thảo đã nghe TS. Lương Văn Tuấn - Học viện Phụ nữ trình bày về sự tác động của trí tuệ nhân tạo tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như là một lẽ tất yếu. Trong thời đại ngày nay, chúng ta không thể phủ nhận được vai trò của trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, để kiểm soát loại hình này và phát triển trí tuệ nhân tạo đúng với quỹ đạo và định hướng của con người cũng là một vấn đề tương đối khó. Đồng quan điểm với TS. Lương Văn Tuấn, TS. Trần Minh Cường - Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội chia sẻ về một loại hình lao động mới được Luật lao động đang quan tâm nhưng thực tế đã tồn tại từ rất lâu, đó là lao động giúp việc gia đình. Với loại hình lao động này, trên thực tế giữa người sử dụng lao động và người giúp việc gia đình hầu như không tồn tại một bản hợp đồng lao động hợp pháp. Việc quản lý và bảo vệ người giúp việc gia đình thực sự là vấn đề nan giải bởi rất khó để xác định chủ thể bảo vệ họ trong trường hợp này.
Hội thảo lắng nghe TS. Lê Ngọc Thạch đến từ cơ sở 2 - Đại học Lao động - Xã hội chia sẻ về quyền xây dựng, khai thác và sử dụng thông tin đất đai dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là một lĩnh vực tương đối khó và phức tạp bởi ở Việt Nam, đất đai thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, đòi hỏi pháp luật phải hoàn thiện và con người phải thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học.
Thông qua các bài tham luận, Hội thảo đã được lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết, những phát biểu và cả những chia sẻ về các vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực luật pháp. Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng số như hiện nay thì con người, đặc biệt các nhà khoa học cần có sự liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau để cùng xây dựng một hệ thống luật pháp hoàn thiện, văn minh và hiện đại. 
Hội thảo đã đưa ra được nhiều giải pháp nhằm hướng đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung dưới sự tác động trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sau cuộc Hội thảo này, sẽ còn có các Hội thảo tiếp theo, nhằm làm rõ hơn những ảnh hưởng trực tiếp của cuộc cách mạng kỹ thuật số đối với từng lĩnh vực cụ thể, hứa hẹn có nhiều vấn đề cần bàn luận, làm sáng tỏ.

 Một số hình ảnh buổi hội thảo

 

 

 

 

 

Tin khác

Số người truy cập: 26917390

Trường đại học lao động xã hội

43 Trần Duy Hưng - Trung Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội - ĐT :043.5564584 - Fax:043.5564584 In trang này

Giấy phép thiết lập Website trên Internet số 348/GP-BC ngày 23/11/2006 của Cục Báo Chí - Bộ Văn Hóa - Thông Tin.