Hội thảo khoa học "Biện pháp giúp sinh viên hạn chế cảnh báo học tập và buộc thôi học"
Sáng ngày 19 tháng 5 năm 2022, Trường Đại học Lao động – Xã hội đã tổ chức Hội thảo hôm nay với chủ đề “Biện pháp giúp sinh viên hạn chế cảnh báo học tập và buộc thôi học”. Hội thảo được trực tuyến tại Trụ sở chính 43 Trần Duy Hưng và Cơ sở II thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo là hoạt động thường niên, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đào tạo ở các trường đại học nói chung và tại Trường Đại học Lao động – Xã hội nói riêng. Nó góp phần trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín trong lĩnh vực kinh tế - lao động và xã hội của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tham dự Hội thảo có TS. Lục Mạnh Hiển – Phó Hiệu Trưởng – Chủ trị Hội thảo; TS. Doãn Thị Mai Hương – Phó Hiệu trưởng; lãnh đạo các đơn vị cùng toàn thể cán bộ giảng viên tại Trụ sở chính và cơ sở II tp. HCM cũng có mặt đông đủ.
Phát biểu khai mạc, TS. Lục Mạnh Hiển nhấn mạnh Trường Đại học Lao động – Xã hội trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển đã, đang là cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín, đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế - lao động và xã hội của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Thương hiệu và uy tín của Nhà trường ngày càng được khẳng định trong quá trình hội nhập và phát triển của thủ đô và đất nước. Với bề dày kinh nghiệm và bằng sự nỗ lực vươn lên, Trường Đại học Lao động - Xã hội sẽ tiếp tục khẳng định thương hiệu và uy tín của mình trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thủ đô, ngành và đất nước.
TS. Lục Mạnh Hiển – Phó Hiệu Trưởng – Chủ trị Hội thảo phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Giáng Hương – Trưởng phòng Quản lý đào tạo cho rằng “Hoạt động quản lý đào tạo những năm qua, Trường đã ban hành khá đầy đủ các quy định, quy chế đào tạo đã tạo ra hành lang pháp lý giúp giảng viên, cán bộ công nhân viên và sinh viên chủ động, sáng tạo trong hoạt động chuyên môn của mình. Đối với hoạt động đào tạo thì quy chế đào tạo có vai trò quan trọng giúp cho người học thiết kế được lộ trình học tập sao cho phù hợp với năng lực, nhu cầu của bản thân”.
TS. Nguyễn Thị Giáng Hương – Trưởng phòng Quản lý đào tạo phát biểu tại Hội thảo
Nội dung Hội thảo tập trung vào một số vấn đề sau:
- Quản lý hiệu quả đội ngũ cố vấn học tập góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong Trường Đại học Lao động – Xã hội.
- Vai trò của cố vấn học tập đối với lớp sinh viên.
- Cố vấn học tập tư vấn, hỗ trợ sinh viên trong xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với năng lực của bản thân.
- Xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với năng lực và nhu cầu cá nhân.
- Cố vấn học tập với việc xây dựng phương pháp học đại học.
- Biện pháp tư vấn, hỗ trợ sinh viên xử lý khi bị cảnh báo học tập.
- Biện pháp tư vấn, hỗ trợ sinh viên hạn chế buộc thôi học.
- Trách nhiệm của sinh viên trong việc thực hiện quy chế đào tạo.
- Sự chủ động, tích cực của sinh viên góp phần quyết định thành công trong thực hiện kế hoạch của bản thân.
- Vai trò của khoa trong công tác phối kết hợp với phòng Công tác sinh viên trong phân công, quản lý cố vấn học tập.
- Vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc hỗ trợ sinh viên học tập tại Trường Đại học Lao động – Xã hội.
- Tư vấn, hỗ trợ về việc đăng ký học.
- Thực trạng công tác cố vấn học tập tại Trường Đại học Lao động – Xã hội hiện nay.
- Giải pháp nâng cao chất lượng công tác cố vấn học tập trong đào tạo tín chỉ hiện nay.
- Các nội dung khác có liên quan. Ngoài ra, hội thảo cũng được nghe những phát biểu, những chia sẻ mong muốn, kỳ vọng của sinh viên về cố vấn học tập trong việc giúp đỡ sinh viên trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Hội thảo đã nhận 24 bài nghiên cứu, trong đó có những bài chất lượng cao, tiêu biểu như bài của các nhà khoa học: TS. Nguyễn Thị Tuyết Vân; TS. Nguyễn Hữu Hùng, Th.S Hoàng Khoa Nam, Th.S Hồ Trần Quốc Hải … và nhiều nhà khoa học khác.
Tham luận tại Hội thảo
Hội thảo khoa học đã diễn ra trong bầu không khí sẻ chia và thành công tốt đẹp.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Toàn cảnh Hội thảo tại Trụ sở chính
Các đại biểu tham dự Hội thảo tại cơ sở II thành phố Hồ Chí Minh