Tọa đàm “Sáng kiến phát triển xã hội: Kinh nghiệm của Phần Lan”
Chiều 30/10/2018, tại Hội trường G17, Trường Đại học Lao động – Xã hội, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam và Trường Đại học Lao động Xã hội tổ chức buổi Tọa đàm “Sáng kiến phát triển xã hội: Kinh nghiệm của Phần Lan”.
Tham dự buổi Tọa đàm, có ngài Kari Kahilouto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam; GS.TS IIkka Taipale, nhà biên tập cuốn sách “Những sáng kiến Phần Lan”. Về phía Việt Nam có ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH); Ông Lê Ngự Bình – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội; NGƯT.TS. Hà Xuân Hùng, Hiệu trưởng; PGS.TS Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội cùng đông đảo giảng viên và các em sinh viên.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Ngài Kari Kaholluoto, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam cho rằng: “Mọi người đều quan tâm muốn biết làm sao một quốc gia nghèo khó bị chiến tranh tàn phá có thể đạt được mức độ bình đẳng xã hội cao nhất thế giới và trở thành một trong những xã hội có nền công nghệ thông tin phát triển cao nhất với tất cả những mặt tốt và xấu của nó. Cuốn sách này trình bày rất nhiều các khía cạnh của câu truyện thành công này, với các chủ điểm từ quốc hội độc viện đến tủ phơi bát, từ chăm sóc trẻ ban ngày tới cầu giặt công cộng, từ công việc cộng đồng (“đàn ong thợ”) đến chủ nghĩa ba bên, từ bơi lội trong băng đến chính phủ liên hiệp, và từ hệ điều hành Linux đến Ông già Noel. Tất cả những thành tựu này có thể thể hiện cô đọng trong sáu bí quyết của giáo dục miễn phí, chính quyền tự quản, bình đẳng giới…, ra quyết định dựa trên sự đồng thuận và an sinh xã hội cho tất cả mọi người – và niềm tin cũng như sự bình yên xã hội và những điều này đem lại”.
Ngài Kari Kaholluoto, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam phát biểu tại buổi Tọa đàm
Tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Cường nhận định: “Năm 2018 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Phần Lan. Trong suốt hơn 4 thập kỷ qua, Phần Lan đã có những dấu ấn không nhỏ trong hợp tác phát triển song phương với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực và luôn sát cánh cùng quá trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng những chia sẻ của Ngài IIkka Taipale tại Trường Đại học Lao động – Xã hội (nơi ươm mầm và đào tạo các cán bộ về lao động và xã hội tương lai của Việt Nam sau này) sẽ trở thành nguồn tham khảo và kinh nghiệm quý cho các cán bộ và đặc biệt là các em sinh viên của Trường”.
Theo GS.TS IIkka Taipale, nhà biên tập cuốn sách “Những sáng kiến Phần Lan”, vào thập niên 1990, người ta bàn về các sáng kiến xã hội, những sáng kiến không được bằng cấp sáng chế như là nền tảng của nhà nước phúc lợi Phần Lan. Cuốn sách đã tập hợp những khía cạnh khác nhau về mặt chính trị, xã hội và văn hóa dẫn tới thành công của đất nước Phần Lan hôm nay. Nội dung cuốn sách đã đề cập đến những nhu cầu thiết yếu nhất của con người, thỏa mãn tất cả các yếu tố tự nhiên theo những cách đời thường mà thú vị.
GS.TS IIkka Taipale, diễn giả chính phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Đức Dương
NGƯT. TS Hà Xuân Hùng, Hiệu trường Trường Đại học Lao động – Xã hội chia sẻ: Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo sinh viên, Nhà trường còn tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, luật pháp. Trường đã thực hiện nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực an sinh xã hội, công tác xã hội, bình đẳng giới, giảm nghèo, quan hệ lao động… Các sáng kiến xã hội, mô hình phát triển và kinh nghiệm hay của các nước phát triển, trong đó có Phần Lan sẽ là những đề tài nghiên cứu hữu ích cho Nhà trường để làm tốt hơn công tác giảng dạy và tham vấn xây dựng luật pháp, chính sách, góp phần cải thiện hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam.
NGƯT.TS. Hà Xuân Hùng, Hiệu trường Trường Đại học Lao động Xã hội phát biểu tại Tọa đàm
Sau khi giới thiệu về cuốn sách, các đại biểu và các em sinh viên đã có buổi trao đổi, thảo luận sôi nổi về những vấn đề xuyên suốt quá trình phát triển của xã hội Phần Lan, từ những chính sách xã hội, chăm sóc y tế, văn hóa, giáo dục, bình đẳng giới, công nghệ đến sự tham gia của xã hội dân sự và quản trị hành chính cũng như những cuộc sống thường ngày ở Phần Lan. Điều này đã góp thêm những thông tin bổ ích phục vụ tốt cho công việc của mỗi cá nhân.