Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Lao động – Xã hội lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 - 2025

Tin tức - Sự kiện

Bài phát biểu của Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tại Lễ Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Trường Đại học Lao động Xã hội
(27/05/2016)
- Thưa các quý vị đại biểu khách quý;
- Các thầy cô giáo, cán bộ, viên chức, nhân viên;
- Cùng toàn thể các em sinh viên yêu quý!
Tới dự Lễ kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Trường Đại học Lao động – Xã hội hôm nay, lời đầu tiên, thay mặt Ban Cán sự đảng Bộ, Lãnh đạo Bộ LĐTBXH, Tôi xin gửi tới toàn thể các đại biểu khách quý, cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động và sinh viên nhà trường những tình cảm thân thiết và lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc, thành công.
Thưa các đồng chí và các em sinh viên
Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập trường Đại học LĐXH hàng năm là dịp chúng ta ôn lại truyền thống xây dựng và trưởng thành của Nhà trường. 55 năm xây dựng và phát triển của nhà trường là một chặng đường dài gắn liền với những mốc son lịch sử của đất nước. Với sự lãnh đạo chỉ đạo của các Bộ, ngành, sự phối hợp của các đơn vị và đặc biệt là sự đóng góp tích cực của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động, Trường Đại học LĐXH đã đạt được nhiều kết quả thành công trong sự nghiệp giáo dục – đào tạo. Tôi rất vui mừng và đòng tình với các kết quả đạt dược của nhà trường trong 55 xây dựng, trưởng thành và phát triển. Thay mặt cho Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tôi ghi nhận những thành tựu và kết quả đạt được của nhà trường được thể hiện khái quát trên các mặt sau:
Một là, phát triển quy mô, ngành nghề đào tạo của nhà trường với tốc độ rất nhanh. Từ chỗ buổi đầu chỉ đào tạo ngắn hạn về lĩnh vực lao động, bảo hộ lao động, tiền lương, bảo trợ xã hội...đến nay đã đào tạo ở các trình độ Đại học, Thạc sĩ ở nhiều ngành nghề đào tạo và đã được phép đào tạo trình độ Tiến sĩ.
Hai là, Đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên nhà trường là lực lượng trẻ, số cán bộ có trình độ Tiến sĩ  trên 10% là điều rất đáng mừng. Điều đó đã thể hiện việc nhà trường đang từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học – công nghệ.
Ba là,Với tỷ lệ tới 97% sinh viên của trường tốt nghiệp ra trường có việc làm, trong đó đa số sinh viên tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo trong bối cảnh cả nước có tới trên 120.000 sinh viên tốt nghiệp hiện nay thất nghiệp cũng đã phần nào cho thầy sản phẩm đào tạo của trường đã ngày càng phù hợp với nhu cầu của xã hội và yêu cầu của thị trường lao động.
Tôi vui mừng với những kết quả mà trường đã đạt được, chia sẻ với những khó khăn trong công cuộc đổi mới toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo đang đặt ra đối với nhà trường. Trong yêu cầu và những thách thức mới của sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhà trường chúng ta cần phải tự đổi mới mình, phải tự chủ nhiều hơn, sắp xếp lại kỷ cương trong một số lĩnh vực, vấn để tổ chức cán bộ, cơ cấu tổ chức bộ máy của nhà trường có những đặc thù lịch sử để lại là bài toán cần phải tập trung cố gắng để giải quyết tốt.
Trong bối cảnh thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, vấn đề lao động  xã hội việc làm, bảo hiểm xã hội, xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội là một trong những vấn đề trọng tâm phải giải quyết. Với ngành lao động xã hội của chúng ta trong giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của CP, Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động – xã hội, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiếp nhận những cơ hội và giải quyết những thách thức đối với lao động Việt Nam khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN ... là những vấn đềđang được toàn ngành lao động và xã hội rất quan tâm. Với vai trò là cơ quan thường trực trong việc thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến các hoạt động trên, ngành lao động xã hội rất cần có nguồn nhân lực có năng lực, có tâm huyết để tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Bộ các chủ trương, chế độ,  chính sách pháp luật đúng đắn và hợp lý. Bộ LĐTBXH chúng ta và cả nước rất cần những nhà khoa học, những cán bộ chuyên môn giởi, những giảng viên có kiến thức, có trình độ, năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học - công nghệ, tâm huyết với nghề; những thanh niên, sinh viên giởi có tâm trong, trí sáng và hoài bão lớn.
Tôi hy vọng rằng những sinh viên sau khi được đào tạo chuẩn và tốt nghiệp từ mái trường này sẽ là nguồn cung cấp cán bộ có chất lượng cho ngành và cho đất nước trong tương lai. Tôi nói như vậy, bởi muốn truyền đi một thông điệp rằng, bên cạnh việc tìm tòi sáng tạo và học tập kinh nghiệm của những mô hình giáo dục tiên tiến trong nước và quốc tế, nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu của trường cần được bám sát vào những những nhiệm vụ cụ thể của ngành và xã hội đang đặt ra.
Sự nghiệp đào tạo cán bộ Lao động - Xã hội của trường trong thời gian tới có vị trí quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, Tôi mong muốn ở các đồng chí mấy điều sau:
Thứ nhất, Nhà trường chúng ta phải toàn tâm đoàn kết
Thứ hai, Chủ động, sáng tạo
Thứ ba, Đầu tư có hiệu quả.
Để thực hiện được những điều trên, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đoàn kết, thống nhất trong ý chí hành động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành;  sự nỗ lực cố gẳng của tập thể cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động nhà trường. Trong thời gian tói, Trường Đại học LĐXH cần tập trung vào thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Thực hiện tốt Quy hoạch phát triển trường Đại học Lao động – Xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mà Bộ đã phê duyệt với mục tiêu phát triển quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, trên đại học cho ngành và xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.
- Thành lập trường Đại học Lao động – Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở nâng cấp Cơ sở II trường Đại học Lao động – xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Đầu tư nâng cao năng lực của cơ sở Sơn Tây
- Đổi mới bộ máy cán bộ.Xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên đạt chuẩn về số lượng và chất lượng. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản toàn bộ giáo viên đạt trình độ thạc sĩ, tăng lỷ lệ cán bộ, giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ, Phó giáo sư, giáo sư. Thực hiện mục tiêu giáo dục là vì sự phát triển của con người, đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy và từ các cán bộ quản lý giáo dục;giáo dục đại học hướng tới chất lượng, sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
- Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ; đổi mới quy trình, phương pháp dạy và học; nâng cao chất lượng chương trình giáo trình, bài giảng. động quản lý nhà nước, hoạch định chính sách của Bộ, ngành và Chính phủ.
- Đổi mới cơ chế hoạt động. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp, hiện đại. Đổi mới và thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện.
Để thực hiện được các mục tiêu nhiệm vụ đặt ra, nhà trường cần phải chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tạo điều kiện, ủng hộ, giúp đỡ để thực hiện được mục tiêu và đạt kết quả tốt nhất.
Thưa các đồng chí và các em sinh viên!
Trong không khí trang trọng của buổi lễ kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Nhà trường, thay mặt lãnh đạo Bộ, Tôi đề nghị toàn thể cán bộ, giảng viên, viên chức, nhân viên và sinh viên hãy đoàn kết một lòng, hợp tác và phát triển, phấn đấu, công tác và học tập tốt để hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra.
Tôi tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống 55 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Trường Đại học LĐXH sẽ vươn lên những tầm cao mới đạt được những thắng lợi rực rỡ, xứng đáng với niềm tin của ngành.
Một lần nữa, tôi xin chúc các vị đại biểu, khách quý, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường luôn khoẻ mạnh, hạnh phúc và thành công.
Trân trọng cảm ơn!
 
Một số hình ảnh tại buổi lễ
 
 
 
Tin khác

Số người truy cập: 31529548

Trường đại học lao động xã hội

43 Trần Duy Hưng - Trung Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội - ĐT :043.5564584 - Fax:043.5564584 In trang này

Giấy phép thiết lập Website trên Internet số 348/GP-BC ngày 23/11/2006 của Cục Báo Chí - Bộ Văn Hóa - Thông Tin.