Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Lao động – Xã hội lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 - 2025

Tài nguyên-Tài nguyên nghiên cứu

Vai trò của tổ chức phi chính phủ quốc tế trong phát triển nghề Công tác Xã hội tại Việt Nam
(21/03/2012)

Trong xã hội loài người luôn có những bộ phận dân cư có mức sống thấp hơn mức sống của cộng đồng cần đến sự trợ giúp của xã hội để duy trì sự tồn tại và nắm bắt cơ hội vươn lên đạt tới những mức sống cao hơn

 

 

1. Sự ra đời và phát triển của nghề Công tác Xã hội

 

Trong xã hội loài người luôn có những bộ phận dân cư có mức sống thấp hơn mức sống của cộng đồng cần đến sự trợ giúp của xã hội để duy trì sự tồn tại và nắm bắt cơ hội vươn lên đạt tới những mức sống cao hơn. Nắm bắt tâm lý khát khao sinh tồn và vươn lên của những con người có hoàn cảnh khó khăn đó, nhiều cá nhân có tấm lòng hảo tâm đã ra tay trợ giúp. Đây chính là nguồn gốc manh nha hình thành nghề CTXH hiện nay. Từ những hoạt động trợ giúp mang tính bột phát ban đầu, những cá nhân có tấm lòng hảo tâm tập hợp thành từng tổ chức hoạt động vì mục đích trợ giúp những người yếu thế trong xã hội. Trải qua nhiều năm, hoạt động của các tổ chức này dần dần được xã hội thừa nhận từ đó hình thành một nghề mới gọi là nghề CTXH. Mốc đánh dấu sự thừa nhận của con người đối với nghề CTXH chính là khi liên hiệp quốc đưa ra định nghĩa vào năm 1955 về  CTXH “là hoạt động giúp con người thích nghi với cấu trúc và giúp cấu trúc thích nghi với con người”. Sau này, các nhà nghiên cứu thuộc các ngành khoa học nhân văn đưa ra nhiều định nghĩa mang giá trị khoa học cao hơn như: công tác xã hội là những hoạt động tương tác, giáo dục hay phục vụ nhằm duy trì hoặc phát triển năng lực xã hội của cá nhân hoặc nhóm xã hội có những phương thức sinh tồn không còn phù hợp với các chuẩn mực của địa phương[1]. Hiệp hội quốc gia nhân viên xã hội Mỹ (NASW - 1970) đưa ra định nghĩa: "Công tác xã hội là một chuyên ngành để giúp đỡ cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ và tạo những điều kiện thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu đó. Hoặc định nghĩa của Hiệp hội nhân viên công tác xã hội Quốc tế thông qua tháng 7 năm 2000 tại Montréal, Canada (IFSW): "Nghề Công tác xã hội thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, Công tác xã hội tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường của họ. Nhân quyền và Công bằng xã hội là các nguyên tắc căn bản của nghề"…

Các nhà khoa học càng đưa ra nhiều định nghĩa càng chứng tỏ sức sống và khả năng phát triển của nghề CTXH. Sức sống và khả năng phát triển đó luôn được tiếp sức từ các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì mục đích trợ giúp nâng cao năng lực cho nhóm yếu thế và vì mục đích phi lợi nhuận.

 

2. Vai trò của tổ chức phi chính phủ quốc tế trong phát triển nghề Công tác Xã hội tại Việt Nam

 

- Nhu cầu nghề CTXH tại Việt Nam

Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg và chính thức có hiệu lực từ ngày 10/5/2010 theo đó nhu cầu về lực lượng nhân viên CTXH cũng gia tăng. Đề án phát triển nghề CTXH được chia thành 2 giai đoạn[2]:

·                    Giai đoạn I (2010 – 2015) phát triển lực lượng nhân viên CTXH thêm 10%, trong đó, mỗi xã, phường sẽ có từ 1 – 2 nhân viên CTXH. Sử dụng phép tính đơn giản với trên 10.000 xã, phường ở Việt Nam đã cho chúng ta thấy Việt Nam cần có 20.000 nhân viên CTXH, chưa kể nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác.

·                    Giai đoạn II (2016 -2020) phát triển đội ngũ nhân viên CTXH các cấp thêm 50%, hỗ trợ nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Giai đoạn này Việt Nam cần đào tạo và bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho 60.000 nhân viên CTXH.

Thực tế hiện nay chúng ta có khoảng 20.000 người hoạt động trong lĩnh vực CTXH, tuy nhiên 81% chưa qua đào tạo, chưa được học những kỹ năng cần thiết về CTXH. Tính đến thời điểm năm 2009, toàn quốc mới có khoảng 1.500 sinh viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành CTXH[3]. Do chương trình đào tạo CTXH trong các trường đại học, cao đẳng mới được biên soạn, đội ngũ giảng viên tiếp cận môn khoa học mới này chưa lâu, còn thiếu nhiều kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực tiễn nên chất lượng của chính số sinh viên được đào tạo chính quy trên cũng không được bảo đảm tốt.

Thực tế này cũng cho thấy nhu cầu nghề CTXH xã hội nảy sinh trước, nó được ví như những cơn sóng ngầm thúc đẩy Nhà nước ban hành chính sách điều chỉnh. Những cơn sóng ngầm đó phần lớn được tạo ra từ các tổ chức phi chính phủ.

- Vai trò của các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam

       Đối với nước ta, khi chuyển sang nền kinh tế thị trường và mở cửa, hội nhập thì xu hướng phát triển và vai trò của các tổ chức phi chính phủ quốc tế  đối với phát triển nghề CTXH ngày càng quan trọng, góp thêm nguồn lực ( thông tin, kinh nghiệm, tài chính, phát triển nguồn nhân lực CTXH…) để Việt Nam chăm sóc tốt hơn và giúp các đối tượng chính sách xã hội có cơ hội phát triển, hòa nhập thuận lợi hơn vào cộng đồng. Vai trò của các tổ chức này rất nổi trội trong hoạt động giảm nghèo, phát triển cộng đồng, trợ giúp nhân đạo, cung cấp dịch vụ xã hội, nhất là dịch vụ công và dịch vụ xã hội cơ bản, không vì mục tiêu lợi nhuận. Những năm vừa qua các tổ chức phi chính phủ quốc tế có hoạt động tại Việt nam liên tục tăng và hoạt động rất tích cực, đem lại hiệu quả tích cực.

Số lượng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hiện đang hoạt động tại Việt Nam tăng từ 560 tổ chức năm 2004 lên 750 tổ chức năm 2009[4]. Lĩnh vực hoạt động của các tổ chức phi chính phủ trên cũng rất đa dạng và không phải tổ chức nào cũng có lĩnh vực hoạt động trong ngành CTXH như: các tổ chức thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thuộc lĩnh vực rà phá bom mìn còn sót của chiến tranh, thuộc lĩnh vực nhận con nuôi quốc tế…, nhưng phần lớn là các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến CTXH như : bảo vệ và chăm sóc trẻ em; y tế, chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật, người nhiễm HIV; giới; Xóa đói giảm nghèo và Phát triển cộng đồng…

Mỗi tổ chức đều có những lĩnh vực và phương thức hoạt động khác nhau tạo nên bức tranh đa dạng về hoạt động trợ giúp cá nhân và cộng đồng phát huy năng lực thoát khỏi khó khăn, vươn lên những nấc thang cao hơn, đồng thời, để thực hiện công việc, các tổ chức phi chính phủ đều có nhu cầu tuyển dụng, đào tạo đội ngũ nhân viên Công tác xã hội. Chính nhờ những hoạt động đa dạng, phong phú, nhu cầu đào tạo, tuyển dụng đội ngũ nhân viên, và hiệu quả đạt được từ những hoạt động được triển khai đã góp phần thúc đẩy phát triển nghề CTXH ở Việt Nam.

- Vai trò của tổ chức Actionaids tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Actionaids là một tổ chức phi chính phủ có lĩnh vực hoạt động thuộc ngành CTXH như hướng tới trợ giúp các cộng đồng nghèo, các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương; trợ giúp về vốn; trợ giúp nhằm thay đổi nhận thức và tăng cường năng lực cho người dân trong cộng đồng; và đặc biệt  quan tâm đầu tư vào lực lượng lãnh đạo trẻ để họ có đủ năng lực tự giải quyết các vấn đề của cộng đồng, hướng tới sự phát triển bền vững. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đề cập đến hoạt động hợp tác của Actionaids với trường đại học Lao động – Xã hội.

Như phần trên cho chúng ta thấy số lượng nhân viên CTXH ở Việt Nam còn thấp, đồng thời chất lượng của đội ngũ này cũng chưa thực sự chuyên sâu do phần lớn là chuyển từ những lĩnh vực chuyên môn khác sang. Thực tế, rất nhiều trung tâm/tổ chức xã hội tích cực trong việc tạo điều kiện hỗ trợ cho những đối tượng yếu thế như: trẻ em, người già cô đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, cộng đồng nghèo... Thế nhưng, do chưa được trang bị những kiến thức cơ bản, đặc biệt là những nguyên tắc nền tảng, các phương pháp và kỹ năng trong khi tiếp cận và trợ giúp, đã dẫn đến những kết quả tiêu cực nơi thân chủ như gây tổn thương, ỷ lại, hoặc giảm sự hợp tác...

Nhận thức được trong hoạt động CTXH, nhân viên CTXH không chỉ cần cái tâm của nghề mà còn cần cả tay nghề nên tổ chức Actionaids và trường đại học Lao động – Xã hội đã tìm đến nhau cùng hợp tác đưa ra "Sáng kiến đầu tư vào thế hệ trẻ" nhằm phát triển đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp. Năm 2008 chương trình được triển khai tại 5 tỉnh: Hà Tĩnh, Hà Giang, Lai Châu và Điện Biên, Cao bằng; năm 2009 triển khai tại 4 tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Hà Giang, và Hoà Bình và năm 2010 sẽ triển khai tại 5 tỉnh: Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Tĩnh.

- Mục tiêu tổng quát của chương trình hợp tác

+ Nâng cao năng lực cho lực lượng thanh niên trẻ (sinh viên, thành viên cộng đồng) tham gia vào lĩnh vực phát triển cộng đồng;

+ Xây dựng và tăng cường mô hình dân chủ cơ sở nhấn mạnh sự tham gia, minh bạch và trách nhiệm giải trình;

+ Tạo liên kết và mở rộng mạng lưới những người làm công tác xã hội/ PTCĐ trong và người nước; và

+ Tăng cường kiến thức và kĩ năng phát triển cộng đồng cho sinh viên; tạo cơ hội để sinh viên gắn kết lý thuyết với thực hành.

- Mục tiêu cụ thể của chương trình hợp tác

+ Tạo ra sự thay đổi trong cộng đồng thông qua việc xây dựng các công trình phúc lợi và năng lực cộng đồng và việc thu hút người dân tham gia vào việc nhận diện các vấn đề cộng đồng, phân tích tính minh bạch của các hoạt động khác trong cộng đồng;

+ Hình thành và bồi dưỡng lực lượng trẻ có năng lực trong cộng đồng;

+ Hình thành và triển khai hoạt động chia sẻ về sáng kiến trong các trường đại học và các tổ chức có cán bộ làm CTXH;

+ Xây dựng đội ngũ trẻ tuổi làm CTXH; và

+ Quảng bá nghề CTXH.

-         Diễn biến hoạt động của sinh viên theo chương trình hợp tác

 Theo chương trình hợp tác, những sinh viên thuộc khoa CTXH sẽ được đưa đến làm việc trực tiếp với cộng đồng sinh sống tại những địa bàn khó khăn như: Cao Băng, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Tĩnh… nhằm giúp những cộng đồng đó phát huy năng lực nội sinh. Để chuẩn bị cho hoạt động, các văn phòng của tổ chức Actionaids đặt tại những địa bàn trên đi khảo sát địa bàn, trao đổi với đội ngũ lãnh đạo huyện, xã, thôn, bản… nhằm tìm kiếm sự ủng hộ về mặt pháp lý, sau đó những sinh viên tham gia “Sáng kiến” bắt tay vào thực hiện công việc dưới sự hỗ trợ về tài chính và chuyên môn của tổ chức theo một tiến trình từ xâm nhập cộng đồng đến khâu cuối cùng là báo cáo đánh giá và chuyển giao nhằm đảm bảo tính bền vững của hoạt động. Những hoạt động đó được khái quát thành 7 bước dưới đây:

Bước 1: Thâm nhập cộng đồng và thực hiện khảo sát;

Bước 2:  Xử lý thông tin, tổ chức họp dân và xây dựng kế hoạch hành động;

Bước 3: Lựa chọn và bồi dưỡng nhóm nòng cốt trong cộng đồng;

Bước 4: Tổ chức đối thoại giữa cán bộ và người dân  trong cộng đồng;

Bước 5 Tổ chức thực hiện kế hoạch hành động;

Bước 6: Báo cáo với địa phương; và

Bước 7 Tài liệu hoá các hoạt động.

 


- Kết quả đạt được

 

+ Về phía sinh viên và đội ngũ giảng viên: trên 50 sinh viên (chưa tính 30 sinh viên đi theo chương trình hợp tác năm 2010) và 12 giảng viên khoa Công tác Xã hội – trường đại học Lao động – Xã hội được hưởng lợi từ chương trình hợp tác, đặc biệt sinh viên nắm vững kiến thức và vận dụng thành thạo các kỹ năng vào hoạt động Phát triển Cộng đồng.

+ Về phía tổ chức: góp phần thúc đào tạo đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiêp đồng thời trợ giúp phát triển những cộng đồng khó khăn với mức chi phí thấp và hiệu quả cao. Kết quả này được chính ban lãnh đạo Actionaids thừa nhận trong buổi hội thảo tổng kết chương trình diễn ra tại trường đại học Lao động- Xã hội.

+ Về phía cộng đồng: cộng đồng được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động PTCĐ, được hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả của các công trình: có hệ thống kênh mương tướí tiêu; có đường xá được nâng cấp; có kiến thức chăm sóc sức khoẻ cho gia đình và cộng đồng; có kiến thức bảo vệ môi trưòng, phòng chống tệ nạn xã hội… Sau quá trình tham gia các đợt tập huấn, cộng đồng đã có những nhận thức nhất định về tập tục lạc hậu còn tồn tại, đồng thời có một đội ngũ nòng cốt được trang bị kiến thức và kỹ năng tổ chức các hoạt động cộng đồng.

+ Về phía chính quyền: chính quyền địa phương thuộc địa bàn chương trình nhận thấy rõ hiệu quả của các hoạt động Phát triển Cộng đồng từ đó xây dựng chương trình triển khai các dự án tiếp theo trên cơ sở tôn trọng quyền và nhu cầu của người dân.

 

3. Kết luận

 

Trong số các tổ chức phi chính phủ hiện đang hoạt động tại Việt Nam, mỗi tổ chức có một phương thức hoạt động riêng và sự đóng góp của chúng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển hoạt động CTXH và làm cho nó trở thành một nghề được xã hội thừa nhận.

Là một tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam, Actionaids có phương thức đặc thù góp phần phát triển nghề CTXH bằng cách kết hợp với nhiều tổ chức khác nhau cùng đào tạo đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp thông qua các hoạt động thực tế Phát triển cộng đồng.

Chỉ tính riêng chương trình hợp tác của tổ chức với trường đại học Lao động- Xã hội giai đoạn 2008- 2010, đã có trên 80 sinh viên được hưởng lợi trở thành những nhân viên có kinh nghiệm thực tiễn cao.

Con số 80 sinh viên được đào tạo chuyên nghiệp trên so với tổng nhu cầu của xã hội thì còn thấp, nhưng đó là những nhân viên chuyên nghiệp và họ sẽ góp phần đào tạo những nhân viên tiếp theo. Đồng thời, nếu các tổ chức phi chính phủ khác cũng có phương thức hợp tác tương tự, chúng ta sẽ rất nhanh có được đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu của xã hội./.

                                                Ths. Nguyễn Trung Hải – Khoa CTXH

 


 


Tin khác

Số người truy cập: 26923387

Trường đại học lao động xã hội

43 Trần Duy Hưng - Trung Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội - ĐT :043.5564584 - Fax:043.5564584 In trang này

Giấy phép thiết lập Website trên Internet số 348/GP-BC ngày 23/11/2006 của Cục Báo Chí - Bộ Văn Hóa - Thông Tin.