Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Lao động – Xã hội lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 - 2025

Tài nguyên-Tài nguyên nghiên cứu

Tình trạng việc làm của sinh viên khoa Kế toán, Đại học Lao động - Xã hội - Thực trạng và giải pháp
(07/05/2015)

 

 

 

 TÌNH TRẠNG VIỆC LÀM CỦA SINH VIÊN KẾ TOÁN, ĐẠI HỌC LAO ĐỘNG - XÃ HỘI – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

 

 

 

TS. Bùi Thị Ngọc, TS. Lê Thị Tú Oanh, ThS. Tạ Thị Thúy Hằng - Khoa Kế toán

Cùng với sự gia tăng của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ hội việc làm cho những cử nhân kế toán cũng mở rộng hơn. Tuy nhiên, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán của Trường đại học Lao động Xã hội sau khi ra trường còn chưa tìm được việc hoặc làm việc không đúng chuyên ngành. Thực trạng về tình trạng việc làm của sinh viên khoa Kế toán, nguyên nhân và những giải pháp nhằm giúp sinh viên sớm tìm được việc làm và nhà trường có định hướng trong đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội là vấn đề mà bài viết này muốn trao đổi.

Việc làm là một phạm trù tồn tại khách quan trong nền sản xuất xã hội, phụ thuộc vào các điều kiện hiện có của nền sản xuất. Người lao động được coi là có việc làm khi chiếm giữ một vị trí nhất định trong hệ thống sản xuất của xã hội. Nhờ có việc làm mà người lao động mới thực hiện được quá trình lao động tạo ra sản phẩm cho xã hội, cho bản thân. Như vậy, một hoạt động được coi là việc làm khi người lao động nhận được tiền công, đó là những công việc mà người lao động thu lợi nhuận cho bản thân và gia đình, hoạt động đó phải được pháp luật thừa nhận.

Việc làm có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, không thể thiếu đối với từng cá nhân và toàn bộ nền kinh tế, là vấn đề cốt lõi và xuyên suốt trong các hoạt động kinh tế, có mối quan hệ mật thiết với kinh tế và xã hội, nó chi phối toàn bộ mọi hoạt động của cá nhân và xã hội.

            1. Cơ hội và thách thức việc làm của sinh viên ngành kế toán

Trước hết, ngành kế toán có thể làm việc trong mọi tổ chức:

Tất cả các tổ chức hoạt động trong mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế đều cần đến kế toán. Đó là:

  • Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ, xuất nhâp khẩu; Doanh nghiệp nội địa hoặc đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài.
  • Các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán.
  • Các đơn vị sự nghiệp như trường học, bệnh viện.
  • Các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Tùy thuộc vào quy mô và tính chất hoạt động cũng như yêu cầu của người đứng đầu mà trong mỗi đơn vị cần số lượng kế toán khác nhau.

Thứ hai, nhu cầu nguồn nhân lực về kế toán ngày càng tăng

Trong xu thế phát triển của xã hội nói chung, các doanh nghiệp được thành lập ngày càng nhiều, các hoạt động liên doanh liên kết với nước ngoài ngày một gia tăng, các khu công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Do vậy, nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành kế toán vì thế mà ngày một gia tăng.

Thứ ba, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới mở ra những cơ hội cho nghề kế toán

Khi cộng đồng kinh tế ASEAN hoạt động sẽ mở ra một thời kỳ mới trong tiến trình Việt Nam hội nhập vào kinh thế khu vực và thế giới khiến cho nhu cầu về kế toán tiếp tục tăng mạnh. Theo đó, các hãng kế toán, kiểm toán lớn được cấp phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Các tổ chức nghề nghiệp quốc tế của các quốc gia có nền kinh tế phát triển đã hoạt động tại Việt Nam như: Hiệp hội công chứng Anh (ACCA), Hiệp hội công chứng Anh và sứ Wall (ICEAW)… Các tổ chức nghề nghiệp nhiều nước đã và đang tham gia tích cực vào phát triển nghề nghiệp kế toán và cung cấp các dịch vụ đào tạo, cấp chứng chỉ trình độ quốc tế cho các kế toán viên Việt Nam.

* Thách thức của sinh viên ngành kế toán

Thứ nhất, áp lực cạnh tranh trong tuyển dụng

Hiện nay ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng đều đào tạo kế toán, vì vậy tỉ lệ chọi cho một vị trí kế toán khi đi xin việc là khá cao. Điều đó làm cho sự cạnh tranh trong tuyển dụng trở nên khốc liệt hơn rất nhiều.

Thứ hai, mức lương không cao so với các ngành khác

Mức lương cho ngành kế toán không cao so với các ngành khác, đặc biệt là thấp với người chưa có kinh nghiệm. Bởi vì trong quá trình học ở trường đại  học sinh viên chỉ tích lũy được kiến thức mà chưa có kinh nghiệm thực tiễn.

Thứ ba, áp lực công việc

Kế toán là công việc phải luôn suy nghĩ, làm việc trong môi trường luôn luôn gắn bó với những con số đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Tuy nhiên đã yêu thích nghề kế toán thì “con số” luôn là bạn với những người kế toán.

Thứ tư, hội nhập kinh tế đem lại nhiều thách thức

Hội nhập kinh tế cũng đem lại nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế nói chung và cho kế toán nói riêng. Trong xu thế hội nhập, các doanh nghiệp sẽ được hưởng thụ nhiều dịch vụ hơn, với lợi ích cao hơn. Thông tin kinh tế, tài chính do kế toán cung cấp sẽ phải có độ tin cậy cao hơn, minh bạch hơn điều đó đòi hỏi những người kế toán có trình độ mới có cơ hội tồn tại và phát triển.

2. Thực trạng việc làm của sinh viên ngành kế toán

Để tìm hiểu rõ thực trạng về tình trạng việc làm của sinh viên ngành kế toán Trường Đại học Lao động – Xã hội sau khi ra trường, chúng tôi thực hiện khảo sát đối với cựu sinh viên đại học từ khóa 1 đến khóa 5. Cuộc khảo sát nhận được 265 ý kiến phản hồi của cựu sinh viên với tỷ lệ nhiều nhất là sinh viên khóa 4 (28%), tiếp đến là khóa 5 (34%). Các tỷ lệ thấp hơn là của sinh viên từ khóa 1 đến khóa 3. Kết quả khảo sát này được thực hiện với sinh viên ra trường từ 2 năm trở lên nên các phản hồi về tình trạng việc làm là phù hợp.

        * Tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp

         Cuộc khảo sát cho thấy tình trạng việc làm của sinh viên khoa Kế toán tương đối khả quan. Sinh viên đang có việc làm chiếm 88,67%, so với mặt bằng chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì con số này là đáng mừng với khoa Kế toán. Tỷ lệ sinh viên chưa có việc làm là 11,33% (tương ứng 30 sinh viên), trong số này, số lượng sinh viên thực sự chưa tìm được việc chỉ là 16 người chiếm 53.33%. Số còn lại chủ yếu là đang đi học tiếp hoặc vì lí do cá nhân mà chưa có nhu cầu đi làm chiếm 33.33%. Như vậy, tỷ lệ sinh viên chính thức chưa tìm được việc làm chỉ chiếm khoảng 6%. Thông tin này thực sự khích lệ nhà trường trong công tác đào tạo. Tuy nhiên, để tìm được việc làm, ngoài kiến thức chuyên môn được đào tạo trong trường, nhiều yếu tố tác động đến quá trình tìm việc của sinh viên như kỹ năng, cơ hội, mối quan hệ…Ngược lại, các khó khăn mà sinh viên gặp phải khi tìm việc làm cũng rất hữu ích với nhà trường.

         * Khó khăn của sinh viên khi tìm việc

          Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải khi tìm việc làm, sự đồng thuận về thiếu kinh nghiệm làm việc đang chiếm tỷ lệ cao nhất (36,23%). Điều này cũng rất đúng vì nghề kế toán đòi hỏi chuyên môn cao, các nhà tuyển dụng luôn mong muốn người thạo việc thay vì phải đào tạo lại. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc cũng là nguyên nhân khó tìm việc (22,26%). Nhiều sinh viên đã chia sẻ việc giỏi tiếng Anh đã đem đến nhiều lựa chọn với công việc tốt và mức lương hấp dẫn. Cùng với ngoại ngữ, ảnh hưởng từ thương hiệu nhà trường là vấn đề khó khăn khi sinh viên xin việc (21,51%). Đây là một kênh thông tin phản hồi về đánh giá của xã hội đối với công tác đào tạo của trường. Xét trong các trường đào tạo kế toán, trường ĐHLĐXH còn non trẻ với 20 năm đào tạo chuyên ngành này.Bên cạnh các khó khăn trên, việc còn thiếu kỹ năng mềm và kiến thức chuyên môn cũng cần được lưu tâm khi chiếm tỷ lệ lần lượt là 17,36% và 13,96%. Thông tin tuyển dụng cũng đang là khó khăn để sinh viên tìm việc (7,55%). Còn đối với tin học, với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, những cản trở từ trình độ tin học lại không đáng kể (3,4%).

         * Công việc và chuyên ngành

Cuộc khảo sát cho thấy tỷ trọng sinh viên ra trường tìm được việc làm đúng chuyên ngành kế toán chiếm đa số (70,64%). Bên cạnh đó, tỷ lệ chưa tìm được việc đúng ngành đào tạo vẫn còn chiếm khoảng 1/3. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương Binh – Xã hội, tỷ lệ sinh viên làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo cả nước chiếm khoảng 60%. Đây là thông tin khả quan khi so sánh theo thống kê chung của cả nước, tỷ lệ sinh viên làm không đúng chuyên ngành của trường còn thấp hơn 1/2. Các lý do khiến sinh viên làm việc không đúng chuyên ngành chủ yếu do không tìm được việc kế toán (45,45%); do phát huy năng lực sở trường cá nhân ở những ngành khác (36,36%); mức lương hấp dẫn ở ngành khác (16,88%).

         * Vị trí việc làm hiện tại của sinh viên

         Kế toán viên đang là vị trí chiếm tỷ lệ cao nhất trong các vị trí công việc, 52%. Đây là vị trí công việc cơ bản, phù hợp với ngành nghề đào tạo và kinh nghiệm làm việc dưới 5 năm của cựu sinh viên. Một số vị trí công việc được đánh giá mức cao hơn, đó là kế toán tổng hợp, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán đang chiếm 6%, tương ứng 15 người cho mỗi vị trí. Điều này cũng ghi nhận sự cố gắng và năng lực của các cá nhân trong công việc.

         * Thu nhập bình quân của sinh viên sau khi tốt nghiệp

         Kết quả khảo sát cho thấy, thu nhập chủ yếu của sinh viên là từ 3- dưới 5 triệu đồng. Mức thu nhập này là phù hợp với sinh viên mới ra trường và thu nhập bình quân/người của Việt Nam. Mức thu nhập dưới 3 triệu đồng vẫn nhiều, chiếm tỷ lệ 20% chứng tỏ nhiều sinh viên chấp nhận làm việc với mức thu nhập thấp để có việc làm và học hỏi kinh nghiệm.

         * Nguyên nhân về tình trạng việc làm của sinh viên

         + Các nguyên nhân khách quan:

          - Do tình hình chung của nền kinh tế đang bị suy thoái, các doanh nghiệp lâm vào tình trạng giải thể, phá sản nhiều làm cho cầu về lao động giảm dần.

         - Sự gia tăng của các trường đào tạo kế toán tạo ra nguồn cung lao động lớn và khó khăn trong cạnh tranh, đặc biệt từ các trường có thương hiệu và uy tín.

          - Do trường ĐHLĐXH còn non trẻ, đi sau trong đào tạo ngành kế toán nên thực sự chưa có lợi thế trong cạnh tranh.

         + Các nguyên nhân chủ quan:

         - Chương trình đào tạo, nội dung đào tạo còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế của xã hội, chưa tạo được sự khác biệt và đặc trưng của nhà trường

         - Kỹ năng nghề, kỹ năng mềm chưa thực sự được chú ý trong đào tạo

          - Bản thân cá nhân sinh viên chưa có sự nỗ lực trong học tập để có kiến thức sâu về chuyên môn giúp tự tin trong tìm việc và làm việc.

3. Giải pháp nhằm tăng cường khả năng có việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán, Đại học Lao động - Xã hội

* Tăng cường cơ hội việc làm cho sinh viên kế toán

 Một là, mở rộng và tăng cường mạng lưới liên kết với các doanh nghiệp. Trường có thể thành lập Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động dịch vụ việc làm, ngày hội việc làm, tổ chức cho sinh viên đi tìm hiểu thực tế, hướng nghiệp, tiếp nhận  đơn  đăng  ký tìm việc và đăng  ký  tuyển  dụng  từ  các doanh nghiệp.

Hai là, tổ chức các cuộc hội thảo về nghề nghiệp kế toán, nhà trường và khoa kế toán cần phối hợp với các cơ quan như Liên đoàn Lao động thành phố; Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Hội Kế toán và Kiểm toán… và các đơn vị khác thông qua các buổi hội thảo, tập huấn về luật với các doanh nghiệp. Do đó,thông qua các cuộc hội thảo này sinh viên sẽ được tìm hiểu về môi trường làm việc, công việc của nhân viên kế toán, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, những kỹ năng cần thiết khi xin việc.

* Đổi mới và hoàn thiện chương trình đào tạo kế toán

Chương trình đào tạo kế toán hệ đại học chính quy hiện nay của Trường được xây dựng mang tính hàn lâm, nặng về lý thuyết không chú ý đến thực hành nên sinh viên ra trường chưa thể bắt tay ngay vào làm việc được. Chương trình đào tạo kế toán cần tăng cường giờ những môn học thực hành như thực hành ghi sổ, thực hành kê khai thuế, thực hành lập và phân tích báo cáo tài chính… nhằm giúp cho sinh viên tiếp cận với công tác kế toán thực tế ngay khi còn học ở trường. Xây dựng, bổ sung thêm một số buổi học ngoại khoá, những buổi nói chuyện chuyên đề về văn hóa doanh nghiệp, môi trường làm việc, tác phong của người cán bộ, hướng dẫn cho sinh viên các quan hệ ứng xử với cấp trên, đồng nghiệp trong doanh nghiệp. Nếu có thể thực hiện được mô hình “phòng kế toán ảo” trong trường là tốt nhất. Cập nhật mới các kiến thức mới, các văn bản mới cũng là yếu tố quan trọng trong chương trình đào tạo của ngành kế toán.

* Giải pháp phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên kế toán

Kỹ năng mềm là khả năng con người tự làm chủ bản thân, tự quản lý, lãnh đạo bản thân và tương tác với những người xung quanh để mang lại hiệu quả cao trong công việc. Đó là năng lực tổ chức và quản lý, tự tin, biết cách khắc phục rủi ro và giải quyết tình huống một cách hiệu quả. Kỹ năng mềm thể hiện ở nhiều khía cạnh lĩnh vực như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng hợp tác trong tác nghiệp, kỹ năng quản lý quản lý đánh giá chất lượng, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng thuyết trình và đàm phán… Nếu như kỹ năng nghề nghiệp là khả năng áp dụng về chuyên môn, lĩnh vực riêng biệt, chỉ dùng cho công việc cụ thể trong thời gian làm việc thì kỹ năng mềm lại được dùng mọi lúc mọi nơi trọng moi tình huống, mọi hoàn cảnh, mọi lứa tuổi. Với khả năng tư duy tốt, có thể gây ảnh hưởng, thuyết phục người khác, có khả năng quản lý… bạn có thể phù hợp với nhiều lĩnh vực nghề nghiệp đặc biệt là kế toán. Yếu tố nhạy bén trong giải quyết các tình huống phát sinh, biết tận dụng các cơ hội trong kinh doanh, biến cơ hội thành kết quả cụ thể là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với người làm công tác kế toán quản trị. Thực tế cho thấy ở những người được coi là thành đạt chỉ có 25% là kiến thức chuyên môn còn lại 75% quyết định bởi kỹ năng mềm của họ. Kỹ năng mềm được học mọi nơi, mọi lúc, kỹ năng mềm phần lớn phụ thuộc vào tố chất của từng người. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa của kỹ năng mềm chúng tôi cho rằng chương trình đào tạo kế toán cần tập trung vào việc phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên, đó là chìa khóa thành công trong quá trình tìm kiếm việc làm và phát triển sự nghiệp của từng cựu sinh viên.

Điều quan trọng trong vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp là người sinh viên phải xây dựng được những giá trị năng lực nghề nghiệp và các kỹ năng. Học tập trong nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại. Người sinh viên sau khi tốt nghiệp để phát triển trong sự nghiệp phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Muốn cho sinh viên của mình của mình có được những điều trên chúng tôi cho rằng vai trò của nhà trường đóng một vai trò không nhỏ, trong đó thay đổi chương trình đào tạo, mục tiêu đào tạo, cách thức tổ chức đào tạo là điều cần thiết nên làm.

 

 

 

 

 

Tin khác

Số người truy cập: 31145556

Trường đại học lao động xã hội

43 Trần Duy Hưng - Trung Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội - ĐT :043.5564584 - Fax:043.5564584 In trang này

Giấy phép thiết lập Website trên Internet số 348/GP-BC ngày 23/11/2006 của Cục Báo Chí - Bộ Văn Hóa - Thông Tin.