XU HƯỚNG CHỌN NGHỀ CỦA SINH VIÊN NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI - Nguyễn Hữu Hùng – Phòng Tại chức
Trong xã hội loài người, mỗi người khi trưởng thành đều ước muốn có một nghề nghiệp nhất định. Nghề nghiệp sẽ là môi trường hoạt động để con người thực hiện ước mơ, lý tưởng, năng lực, hoài bão khát vọng của mình, là điều kiện để đảm bảo cho con người tồn tại trong xã hội. Sự vững vàng trong nghề nghiệp sẽ tạo cho cá nhân có thể độc lập về kinh tế và đóng góp được nhiều nhất cho xã hội.
Sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian vừa qua đã tạo điều kiện cho ngành giáo dục phát triển. Số trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ngày càng tăng. Cả nước hiện có hơn 300 trường đại học và cao đẳng. Đa số các tỉnh/thành phố đều có trường đại học, cao đẳng. Bên cạnh hệ thống trường công lập, chúng ta có hệ thống trường dân lập rất phát triển. Điều này tạo điều kiện cho người học được học tập tốt hơn. Số lượng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông được học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề ngày một tăng.
Theo báo cáo của Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động thuộc Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH, xu hướng các ngành nghề tăng nhu cầu việc làm đến năm 2015 bao gồm: tài chính; ngân hàng; bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động khoa học công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình; các tổ chức quốc tế và các hoạt động dịch vụ khác
Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, các em học sinh có nhiều cơ hội trong việc học tập, nâng cao trình độ của mình. Việc đăng ký thi hoặc xét tuyển vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học rõ ràng là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, quyết định sự thành bại trong sự nghiệp của các em. Tuy nhiên, một số nghiên cứu về chọn nghề gần đây cho thấy, việc lựa chọn ngành học của học sinh còn nhiều cảm tính. Điều đó một mặt phản ánh sự khó khăn trong lựa chọn nghề nghiệp của các em, mặt khác cho thấy công tác hướng nghiệp cho các em học sinh còn chưa hiệu quả, thiết thực.
Ngành Công tác xã hội (CTXH) ngoài việc có những đòi hỏi chung như các ngành khoa học khác còn có những đòi hỏi đặc thù về năng lực. Chính vì vậy, có không ít sinh viên khi bắt đầu theo học ngành này cảm thấy không phù hợp dẫn đến chán nản, muốn thi vào những ngành khác. Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu xu hướng chọn nghề của sinh viên đang theo học ngành CTXH. Từ đó đưa ra những kiến nghị để việc chọn nghề của các sinh viên ngành CTXH được chính xác hơn.
Bài viết này không nghiên cứu xu hướng với tư cách là một trong bốn thuộc tính của nhân cách (tính cách, khí chất, xu hướng, năng lực) mà phân tích xu hướng chọn nghề của sinh viên theo cách hiểu là hướng các em lựa chọn nghề nghiệp.
Trong đề tài nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng khái niệm lựa chọn nghề nghiệp như sau: lựa chọn nghề nghiệp là quá trình cá nhân gắn bó với một nghề nghiệp nhất định dựa trên hiểu biết về năng lực của bản thân và đòi hỏi của nghề nhằm thoả mãn nhu cầu và hứng thú của các em với nghề nghiệp đó.
Từ cách hiểu nói trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu xu hướng chọn nghề của sinh viên biểu hiện ở các khía cạnh: Những yếu tố thúc đẩy sinh viên đến với ngành CTXH; Hiểu biết của sinh viên về ngành học; Hiểu biết về bản thân của sinh viên CTXH và công tác hỗ trợ hướng nghiệp mà các em đã được nhận.
Phương pháp nghiên cứu chính là phỏng vấn sâu 30 sinh viên năm thứ nhất (Đại học khoá 10) chuyên ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Lao động – Xã hội. Đề tài lựa chọn khách thể nghiên cứu nói trên, vì đây là một trong những cơ sở có uy tín, bề dày lịch sử đào tạo chuyên ngành CTXH bậc cao đẳng, đại học đầu tiên trong cả nước. Đây cũng là nơi nhiều thế hệ sinh viên đã trưởng thành góp phần quan trọng trong lĩnh vực ngành CTXH trên cả nước.
Sở dĩ chúng tôi lựa chọn khách thể là sinh viên năm thứ nhất vì đây là những sinh viên mới tiến hành lựa chọn nghề nghiệp, các em còn nhận thức rõ xu hướng lựa chọn ngành nghề của mình, đồng thời các em còn có thể tiến hành lựa chọn lại ngành học khác vào đợt tuyển sinh năm sau hoặc đồng thời học thêm một chuyên ngành đào tạo khác của nhà trường (nếu có nhu cầu và đủ điều kiện).
Kết quả nghiên cứu thực tiễn
1. Hiểu biết của sinh viên về ngành Công tác xã hội
Hiểu biết của sinh viên về ngành CTXH được tìm hiểu ở các khía cạnh như những phẩm chất cần thiết về ngành CTXH, điều kiện phương tiện làm việc, công việc khi ra trường, hình dung của sinh viên về cán bộ CTXH trước khi đến với ngành.
“Theo em những phẩm chất tâm lý cần thiết để thành công trong ngành CTXH là gì ?” là câu hỏi được đưa ra để tìm hiểu nhận thức của sinh viên CTXH về những phẩm chất cần thiết của ngành nghề mình theo học. Để sinh viên có thể liệt kê đúng và đầy đủ các phẩm chất tâm lý mà ngành CTXH yêu cầu là rất khó, nhưng nếu các em đã có sự tìm hiểu từ trước về ngành nghề mình theo học thì các em hoàn toàn có thể nêu ra được từ 5 – 10 phẩm chất tâm lý mà ngành nghề yêu cầu. Trong số 30 sinh viên được phỏng vấn chỉ có 2 em nêu được từ 5 phẩm chất tâm lý trở lên:
- Theo em nghĩ những phẩm chất đó là tâm huyết, yêu nghề, có cái tâm, biết lắng nghe, tôn trọng và ứng xử linh hoạt trong mọi tình huống (SV H.T.N, lớp Đ10CT4).
- Theo em thì có niềm đam mê, có sự tự tin vào năng lực của bản thân; có khả năng lắng nghe và chia sẻ, biết cảm thông; biết giữ bí mật, tôn trọng và chấp nhận người khác (SV N.T.T.L, lớp Đ10CT1).
Ngoài 2 sinh viên trên, những em còn lại chỉ nêu được dưới 5 phẩm chất tập trung vào các vấn đề như lòng yêu nghề,biết lắng nghe, chia sẻ, kiến thức vững vàng. Đặc biệt trong số 30 em được phỏng vấn, có 2 em đã không kể bất cứ phẩm chất tâm lý nào cần thiết đối với cán bộ CTXH.
Các sinh viên khi theo học bất kỳ ngành học nào đều phải nhận thức được những yêu cầu của ngành nghề mình theo học. Đó chính là cơ sở vững chắc để các em nỗ lực, rèn luyện nhằm hoàn thiện kỹ năng, nhân cách người lao động trong lĩnh vực nghề nghiệp mình đã lựa chọn. Kết quả trên cho thấy những đòi hỏi của nghề hầu như các em sinh viên đã không được trang bị đầy đủ. Với tình trạng đó, các em khó có thể có được sự định hướng đúng đắn trong học tập, rèn luyện, tri thức nghề nghiệp nhằm chuẩn bị tốt nhất cho công việc khi tốt nghiệp đại học. Bên cạnh đó, một đặc điểm quan trọng của ngành CTXH là khoa học nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, tuy nhiên chưa có sinh viên nào nhận thức được đặc điểm nổi bật này.
Cán bộ CTXH là người phải làm việc, tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau (có thể phải làm việc trong những điều kiện thiếu sự thuận lợi, có những rủi ro nhất định khi họ làm việc với nhiều nhóm đối tượng xã hội phức tạp như người nghiện, người nhiễm HIV, người hoạt động mại dâm, …). Chính vì vậy, người cán bộ CTXH không chỉ cần nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn phải có kỹ năng giao tiếp, khai thác thông tin, thấu cẩm, …Phương tiện làm việc của cán bộ CTXH là bộ công cụ, trắc nghiệm đánh giá, chẩn đoán tâm lý, bảng hỏi, văn phòng tham vấn, … Hiểu biết về điều kiện, phương tiện làm việc là một trong những nội dung quan trọng không chỉ với các học sinh khi lựa chọn nghề nghiệp mà cả với các sinh viên đã và đang học ở một ngành học nhất định. Kết quả nghiên cứu nhận thức của sinh viên CTXH về điều kiện và phương tiện làm việc của ngành mình cho thấy, các em sinh viên được hỏi thể hiện hiểu biết rất hạn chế về điều này. Trong số 30 sinh viên được phỏng vấn, có tới 26 em không trả lời được câu hỏi này và đây là một vài trường hợp như thế:
- Em chưa có điều kiện tìm hiểu nhiều, với lại em mới vào học CTXH được mấy tháng nên cũng không rõ lắm. (SV N.T.B.H, lớp Đ10CT2).
- Vấn đề này em chưa được rõ lắm, cần phải tìm hiểu thêm nữa. Vậy khi lựa chọn ngành học, em tìm hiểu thông tin gì về ngành này ?(người phỏng vấn). Em có tìm hiểu thông tin trên internet và hoạt động hướng nghiệp của trường nhưng cũng chưa tìm hiểu về điều này (SV N.T.T, lớp Đ10CT9).
- Em không rõ lắm vì thực sự em cũng chưa nghĩ tới điều này bao giờ, trong thời gian học tại trường em sẽ tìm hiểu cụ thể (SV Đ.L.X, Lớp Đ10CT6).
Thông qua việc trích dẫn một số câu trả lời của các sinh viên, có thể thấy, các sinh viên được hỏi hầu như không nhận thức được điều kiện và phương tiện làm việc của ngành CTXH. Theo chúng tôi, điều đó có thể xuất phát từ việc khi tìm hiểu về ngành nghề theo học, các em sinh viên thường tập trung vào những thông tin cần thiết trước mắt như nơi đào tạo, điểm đầu vào, công việc khi ra trường có dễ xin việc hay không, có thu nhập cao hay không, được làm việc ở thành phố hay không…. mà ít chú ý tới nội dung, ý nghĩa và giá trị xã hội của nghề nghiệp cũng như sự phù hợp của nghề nghiệp với xu hướng, nguyện vọng của bản thân. Mặt khác, công tác hướng nghiệp cho các em cũng chỉ giới thiệu một số thông tin chung chứ chưa có những hướng dẫn, tư vấn tỉ mỉ cho các em về các ngành học mà các em dự định theo học.
Với câu hỏi “Khi đăng ký thi tuyển sinh vào ngành CTXH, bạn hình dung như thế nào về người làm CTXH?”, chúng tôi mong muốn tìm hiểu những biểu tượng, hình ảnh về người cán bộ CTXH của các sinh viên trước khi đến với ngành nghề này, qua đó cũng có thể biết được những biểu tượng, hình ảnh đó là đúng đắn hay còn cảm tính cũng như tình cảm mà các em dành cho ngành nghề mình đã lựa chọn. Mặt khác, những hình dung của các em về người cán bộ CTXH cũng là cơ sở để thấy được nhận thức của sinh viên về ngành học của mình cả trước và sau khi đã học tập được một năm tại khoa CTXH Trường Đại học LĐXH.
Trong số 30 em sinh viên tham gia phỏng vấn, có 8 em cho biết không hình dung gì nhiều về người cán bộ CTXH với những câu trả lời như sau:
- Em đăng ký là nguyện vọng 2, chỉ để chống trượt, đỗ thì học cho nên em cũng không suy nghĩ hay hình dung gì nhiều về người cán bộ CTXH trước khi em đến với ngành CTXH (SV N.T.T, lớp Đ10CT9).
- Trước khi học em hầu như chưa có hình dung gì về điều kiện này (SV H.A.V, lớp Đ10CT1).
Bên cạnh những trường hợp nêu trên, các ý kiến còn lại thường thể hiện những suy nghĩ rất cảm tính, thiếu chính xác đầy đủ về người cán bộ CTXH:
- Em gần như không hình dung gì, khi đăng ký em hình dung người cán bộ CTXH gần với những người làm từ thiện (SV V.D.D, lớp Đ10CT7).
- Lúc đó em nghĩ là người làm CTXH là người có tình thương bao la … (SV N.H.H, lớp Đ10CT8).
Kết quả trên cho thấy, hình dung của các em sinh viên về người cán bộ CTXH còn nhiều hạn chế. Thực trạng này đòi hỏi công tác hướng nghiệp, giới thiệu về thế giới nghề nghiệp cần phải được triển khai sâu rộng và hiệu quả hơn nữa để tránh tình trạng các em học sinh có hiểu biết chưa thật đầy đủ, thậm chí là sai lầm khi chọn nghề.
Bện cạnh những suy nghĩ có phần cảm tính nói trên, vẫn có những ý kiến của các em sinh viên thể hiện tình cảm tích cực và những hiểu biết tuy chưa thật đầy đủ về người cán bộ CTXH như:
- Theo em hình dung, người cán bộ CTXH là người có kiến thức chuyên môn và thực tế uyên thâm và vận dụng nó một cách hiệu quả để giải quyết các vấn đề bức xúc, tình cảm của người khác (SV H.T.N, lớp Đ10CT5).
- Em nghĩ người cán bộ CTXH là người rất dễ gần, cởi mở, tình cảm, giao tiếp tốt và giúp đỡ người khác, nói chung là có hình ảnh đẹp về người làm CTXH. (SV N.T.T.L, lớp Đ10CT3).
- Em hình dung người cán bộ CTXH là người làm việc tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như người bị tâm thần, người nghiện ma tuý, trẻ em mồ cối. người già cô đơn (SV T.T.N, lớp Đ10CT7).
Thông qua kết quả trích dẫn ở trên, có thể thấy những suy nghĩ, hình dung của các em sinh viên về người cán bộ CTXH chủ yếu vẫn còn cảm tính, chưa đầy đủ và chính xác. Những suy nghĩ, hình ảnh tích cực về ngành nghề mình theo học cũng chính là cơ sở tốt để hình thành cho các em long yêu nghề, nỗ lực cao trong học tập và rèn luyện để thành công với ngành nghề theo học. Kết quả nghiên cứu trên còn chỉ ra công tác giáo dục, tuyên truyền nghề cho các học sinh còn chưa mang lại hiệu quả cao, điều đó dẫn đấn việc các em đến với ngành nghề còn thiên về cảm tính, lựa chọn theo những nhận điịnh, suy nghĩ chủ quan của mình.
So sánh nhận thức của sinh viên trước và sau khi đến với ngành CTXH cho thấy, nhận thức của sinh viên về ngành nghề mình theo học chưa có sự thay đổi rõ nét. Nếu như hình dung của các em trước khi đến với ngành học còn cảm tính, mang tính chủ quan của các em thì sau khi đã học tập được một năm trong ngành CTXH, nhận thức của các em về các yếu tố như cơ hội nghề nghiệp, điều kiện, phương tiện làm việc, phẩm chất cần thiết với ngành học vẫn chưa có sự đầy đủ chính xác.
2. Những cơ sở để các sinh viên lựa chọn nghề nghiệp
Với câu hỏi “Xin bạn vui lòng cho biết lý do bạn đến với ngành CTXH?” kết quả cho thấy trong số 30 sinh viên tham gia phỏng vấn, có 24 em thể hiện các lý do chọn ngành CTXH một cách tích cực, đúng đắn và chủ yếu tập trung vào lý do yêu thích ngành CTXH. Điều đáng nói là khi thể hiện lý do đến với ngành CTXH của các em thường thể hiện cả những hoàn cảnh, tâm tư của bản thân mình. Dưới đây là một số trường hợp tiêu biểu:
- Em chọn ngành CTXH vì cho rằng chữa lành vết thương tâm hồn cho người khác cũng là tự chữa lành vết thương tâm hồn cho chính mình. (SV N.T.A.N, lớp Đ10CT8). Em N.T.A.N là sinh viên có hoàn cảnh gia đình bố mẹ em đã ly hôn, vì thế, trong lý do đến với ngành học cũng bao hàm cả những mong muốn, những hoàn cảnh của bản thân em.
- Em biết đến ngành CTXH từ năm học lớp 10 em đã được tiếp xúc với các bác thương bệnh binh trong Trung tâm điều dưỡng người có công. Từ đó, em đã có đam mê và hứng thú với ngành này (SV Đ.T.T, lớp Đ10CT2).
Bên cạnh đa số các sinh viên thể hiện động cơ tích cực khi đến với ngành CTXH như đã đề cập ở trên, vẫn còn 6 em thể hiện lý do đến với ngành CTXH bằng các lý do như:
- Em không đủ điểm nguyện vọng 1 vào Đại học Luật Hà Nội, sau đó em xét nguyện vọng 2 vào khoa CTXH của trường mình. (SV L. Đ.T, lớp Đ10CT9).
- Trong quá trình đăng ký tuyển sinh em thấy ngành này mới và là lạ nên chọn (SV N.T.H.D, lớp Đ10CT6).
- Bố mẹ em bảo em học ngành này vì có chú làm trong trong Sở LĐTB&XH để sau này còn xin việc cho (SV P.T.N, lớp Đ10CT5)
Để chọn nghề một cách đúng đắn, khoa học, các em học sinh không chỉ căn cứ vào yếu tố bản thân mình (như yêu nghề, năng lực của bản thân, …) mà còn phải tính đến những yêu cầu của nghề nghiệp về phẩm chất, năng lực, thể chất sức khoẻ, … và nhu cầu của thị trường lao động với ngành nghề đó. Để tìm hiểu sâu hơn về những yếu tố thúc đẩy các em lựa chọn nghề nghiệp, chúng tôi đã đưa ra câu hỏi: “Bạn căn cứ vào những yếu tố nào để lựa chọn ngành CTXH ?”. Kết quả phỏng vấn sâu với các sinh viên cho thấy có tới 22 trong tổng số 30 sinh viên cho biết, lựa chọn nghề nghiệp chỉ căn cứ vào một yếu tố như lòng yêu nghề hoặc xu hướng xã hội đang cần ngành CTXH:
- Vì ngành CTXH hợp với suy nghĩ thiên về mặt xã hội của em (SV L.T.N, lớp Đ10CT8).
- Vì em là người thích các hoạt động tình nguyện xã hội (SV N.T.T.T, lớp Đ10CT1).
- Em căn cứ vào triển vọng của ngành, tuy nó chưa có nhiều tương lai ngay bây giờ, nhưng cơ hội là bản thân mình tạo ra và có thể thành công trong ngành CTXH (SV T.T.T, lớp Đ10CT2).
Bên cạnh những trường hợp trên, có một số em đã căn cứ vào nhiều hơn một yếu tố để chọn lựa nghề như:
- Đầu tiên là do sở thích của em và em cũng nghĩ trong tương lai các ngành khoa học xã hội là những ngành được chú trọng ở nước ta và ngành CTXH cũng vậy (SV Đ.L.P, lớp Đ10CT8). Câu trả lời của em Đ.L.P cho thấy, lý do đến với ngành CTXH của em không chỉ dựa trên sở thích của bản thân mà còn dựa trên triển vọng, tương lai phát triển của ngành CTXH trong xã hội.
- Em căn cứ vào yếu tố ngành này là một ngành tiềm năng, giúp đỡ mọi người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội (SV P.T.B,lớp Đ10CT6)
Từ kết quả nghiên cứu các lý do, yếu tố thúc đẩy sinh viên lựa chọn ngành CTXH có thể thấy đa số các em đến với ngành vì sự yêu thích với nghề. Điều này là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên tinh thần sáng tạo, sự say mê học tập, rèn luyện ký năng nghề nghiệp của các em sau này. Kết quả nghiên trên cũng chỉ ra các mặt quan trọng trong tam giác hướng nghiệp là năng lực, sở thích của người học; yêu cầu về năng lực, phẩm chất của ngành nghề cũng như nhu cầu của thị trường lao động còn chưa được các sinh viên tính đến một cách đầy đủ khi lựa chọn nghề nghiệp. Đây rõ ràng là sự thiệt thòi lớn của các em, bởi lựa chọn ngành nghề dựa trên sở thích, tình yêu của cá nhân với nghề là rất cần thiết nhưng chưa đầy đủ để khẳng định các em có phù hợp với ngành nghề lựa chọn hay không.
3. Hiểu biết của sinh viên về xu hướng nghề nghiệp của bản thân
Để tìm hiểu về xu hướng nghề nghiệp của sinh viên, chúng tôi đưa ra câu hỏi: “Bạn nhận thấy bản thân mình có xu hướng và khả năng thành công ở lĩnh vực nào nhất ? Trên cơ sở nào bạn có nhận xét/ câu trả lời như vậy?”. Kết quả trong số 30 em tham gia phỏng vấn có 8 em cho rằng, bản than mình có xu hướng và khả năng thành công ở lĩnh vực CTXH. Đối với những trường hợp không có xu hướng phù hợp với ngành CTXH, bảng phỏng vấn đặt thêm câu hỏi: “Nếu khả năng không trùng với lĩnh vực đang học thì tại sao em không theo đuổi ngành mình có thế mạnh mà lại chọn ngành này?”. Kết quả như sau:
- Ngành em thích và em thấy có khả năng là khối ngành kinh tế. Nhưng do không đủ điểm thi nên buồn và đăng ký học ngành này… (SV L.T.T.H, lớp Đ10CT2).
- Em nghĩ em có khả năng thành công trong lĩnh vực báo chí. Trong thời gian tới em sẽ học thêm văn bằng hai ngành báo chí và kiến thức CTXH giúp em nhận thức xã hội tốt hơn (SV V.T.C, lớp Đ10CT4).
- Em thấy mình có thể thành công trên lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, vì em thích hát, …(SV Đ.B.Y, lớp Đ10CT9).
Một số trích dẫn trên cho thấy, những lý do khiến các em đến với CTXH dù nhận thấy bản thân mình không có xu hướng và khả năng thành công ở ngành học đều xuất phát từ động cơ bên ngoài như không thi đỗ vào ngành học khác hoặc học CTXH để có thể hiện thực tốt niềm đam mê một ngành nghề khác,….
Đề cập đến việc tìm hiểu năng lực nghề nghiệp của sinh viên bằng câu hỏi: “ Khi học trung học phổ thông, bạn có tìm hiểu về năng lực nghề nghiệp của bản thân không ? Nếu có thì ở đâu ?”. Kết quả cho thấy, trong số 30 sinh viên được phỏng vấn, 24 em có tìm hiểu về năng lực nghề nghiệp của bản thân mình. Việc tìm hiểu, khám phá về bản than mình nói chung và tìm hiểu năng lực nghề nghiệp nói riêng là một trong những nhu cầu rất chính đáng của các em nhất là khi các em tốt nghiệp trung học phổ thông và tiến hành lựa chọn nghề nghiệp. Vì thế, có ít sinh viên trả lời không với câu hỏi này. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, các em tìm hiểu về năng lực nghề nghiệp của bản thân bằng nhiều con đường khác nhau như thông qua nhận xét của bố mẹ, giáo viên, bạn bè, internet, …
- Khi học trung học phổ thông em có tìm hiểu năng lực nghề nghiệp của bản thân. Em tìm hiểu thông qua bố mẹ, thầy cô giáo và dựa vào những khả năng mà em có (SV P.T.T, lớp Đ10CT3).
- Em có tìm hiểu thông qua mạng internet và tiếp xúc với mọi người xung quanh cùng trải nghiệm của bản thân (SV N.T.T.L, lớp Đ10CT1).
- Em có tìm hiểu qua mạng internet, báo chí và thấy mình có khả năng giao tiếp, tự tin khi nói chuyện với mọi người (SV V.T.C, lớp Đ10CT4).
Thông qua một vài trích dẫn trên có thể thấy, các em sinh viên tìm hiểu về năng lực của bản thân bằng nhiều con đường khác nhau. Điều đáng lưu ý là trong số 30 em tham gia phỏng vấn chỉ có hai em tìm hiểu về năng lực nghề nghiệp thông qua hình thức sinh hoạt hướng nghiệp của nhà trường, trong khi có 12 học sinh cho biết tìm hiểu thông qua internet. Điều đó đặt ra câu hỏi về vai trò của hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường cũng như cơ sở khoa học, độ tin cậy của các nguồn thông tin khác mà các em tiếp cận khi khám phá, tìm hiểu về bản thân mình.
Với câu hỏi: “Bạn đánh giá mình là người có tính cách như thế nào? Với tính cách như thế bạn thấy mình phù hợp với công việc gì?”. Kết quả thu được cho thấy, câu trả lời từ phía các em sinh viên rất đa dạng, thể hiện sự phong phú trong cá tính của từng người. Khi đề cập đến sự phù hợp với công việc, các em đưa ra những ngành nghề khác nhau, tuỳ theo nhận định của từng em. Điều đáng lưu ý là sự nhận định đó mang nặng tính cảm tính theo kiểu “hay cãi nên có thể làm luật sư” hoặc “ hay hát hay có thể làm ca sĩ”. Dưới đây là một vài trích dẫn minh hoạ:
- Em nhận thấy em là người hoà đồng với mọi người, sôi nổi, vui tính do vậy có thể phù hợp với nhiều ngành (SV N.T.K.N, lớp Đ10CT5).
- Em thấy mình là người rất thích hoạt động xã hội, hoà đồng, dễ gần và có khả năng giao tiếp. Em thấy thích hợp với nghề CTXH hoặc là một giáo viên (SV L.T.H.M, lớp Đ10CT2)
- Em là người trầm tính nhưng rất thẳng tính, dứt khoát, quyết đoán. Em thấy mình thích hợp với việc phân tích vấn đề và đưa ra các cách giải quyết hoặc tư vấn cho mọi người (SV V.T.N.Q, lớp Đ10CT1)
Một số kết quả phỏng vấn trên cho thấy, nhận định về tính cách cũng như sự phù hợp với các ngành nghề của sinh viên còn nhiều cảm tính, mâu thuẫn. Điều đó, một mặt nói lên, các sinh viên được hỏi chưa có sự nhận thức sâu sắc mối quan hệ giữa khả năng của bản thân với ngành nghề mình gắn bó, lựa chọn. Mặt khác cho thấy, hoạt động hướng nghiệp, trang bị cho sinh viên về sự phù hợp nghề còn chưa hiệu quả, rõ nét.
4. Hoạt động hướng nghiệp mà sinh viên được nhận
Tìm hiểu về các hoạt động hướng nghiệp là cơ sở quan trọng để hiểu rõ hơn về xu hướng chọn nghề của sinh viên, cũng qua đó có thể hiểu rõ hơn về những hỗ trợ mà các em được nhận khi tiến hành lựa chọn nghề nghiệp cũng như những nhu cầu mong muốn của các em với hoạt động này.
“Trước khi đăng ký thi tuyển sinh vào ngành CTXH, bạn có được tham gia buổi sinh hoạt hướng nghiệp do nhà trường tổ chức không? Nếu có thì nội dung và hình thức như thế nào?” là câu hỏi nhằm tìm hiểu về các buổi sinh hoạt hướng nghiệp trong trường phổ thông. Trong số 30 sinh viên tham gia phỏng vấn, có 17 em cho biết nhà trường nơi em học trung học phổ thông có tổ chức các buổi sinh hoạt hướng nghiệp và 13 em còn lại trả lời không. Dưới đây là một vài trích dẫn minh hoạ:
- Em có tham gia hoạt động hướng nghiệp do nhà trường tổ chức. Ở đó học sinh sẽ đưa ra câu hỏi để các thầy cô hoặc các cựu học sinh của nhà trường trả lời, nói chung đơn điệu, ít hấp dẫn với bọn em (SV P.T.T, lớp Đ10CT3).
- Em có được tham gia. Nội dung của buổi sinh hoạt đó được bắt đầu bằng những câu hỏi: Em thích ngành gì? Ngành nghề nào có xu hướng phát triển trong tương lai. Nói chung chỉ đơn giản như thế thôi ạ (SV N.T.M, lớp Đ10CT2).
- Em không được tham gia, vì trường em không tổ chức, em tự tìm hiểu qua người thân, giáo viên chủ nhiệm và trên mạng internet (SV S.T.H, lớp Đ10CT1)
Thông qua một số trích dẫn tiêu biểu trên có thể thấy, trong các trường trung học phổ thông đã có các buổi sinh hoạt hướng nghiệp nhưng nội dung và hình thức còn chưa phong phú, hiệu quả. Có thể nói, hoạt động hướng nghiệp là một trong những hoạt động có tầm quan trọng đặc biệt trong định hướng, giới thiệu về thế giới nghề nghiệp đến với các em học sinh. Nội dung của nó có thể từ giới thiệu về thế giới nghề nghiệp, tìm hiểu năng lực bản thân, chọn nghề, sự phù hợp nghề, … Kết quả phỏng vấn từ 30 sinh viên cho thấy, hầu như các em không được phổ biến các nội dung đó và hình thức chủ yếu là vấn đáp trong phạm vi nhà trường hoặc trong lớp học.
Để tìm hiểu hứng thú của sinh viên với các hoạt động hướng nghiệp, chọn nghề, chúng tôi đưa ra câu hỏi: “Trong bốn hình thức sinh hoạt hướng nghiệp, gồm buổi tư vấn do nhà trường tổ chức, tham quan các cơ sở sản xuất để tìm hiểu về ngành nghề, giáo viên lồng ghép các nội dung hướng nghiệp chọn nghề trong bài giảng các môn học và sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường khi làm hồ sơ thi tuyển. Theo em hình thức nào là có hiệu quả, hấp dẫn nhất?.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hình thức được các em thích thú nhất là tổ chức tham quan các cơ sở sản xuất, gặp gỡ các chuyên gia thành đạt, … để tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp. Các em thường lý giải bằng những lý do như: đây là hình thức có tính sinh động, không gò bó nên mang lại cho các em nhiều hứng thú.
Có thể nói, mỗi hình thức sinh hoạt hướng nghiệp do đặc thù của mình đều có những ưu điểm riêng và bổ sung hỗ trợ lẫn nhau trong công tác hướng nghiệp chọn nghề. Chính vì thế nếu được tổ chức một cách khoa học, nghiêm túc, thực chất thì đều có thể mang lại hiệu quả như ý kiến của em N.T.T.L, lớp Đ10CT1: “Theo em tất cả mọi hình thức đều sẽ có hiệu quả nhất định nếu các hình thức hướng nghiệp đó được làm thực sự. Em đã trải qua cả 4 hình thức đó song em chưa thấy được kết quả tốt nhất”.
Kết luận
Từ kết quả nghiên cứu trên, có thể thấy, lý do các sinh viên đến với ngành CTXH chủ yếu vì sở thích, mong muốn được khẳng định bản thân và giúp đỡ mọi người. Tuy vậy, cơ sở lựa chọn nghề nghiệp của các em chủ yếu dừng lại ở sở thích nói trên mà hầu như không tính đến năng lực nghề nghiệp của bản thân cũng như yêu cầu mang tính đặc thù về phẩm chất của ngành CTXH.
Hiểu biết của sinh viên CTXH về ngành nghề mình đang theo học cũng chưa thật sâu sắc, đầy đủ. Hầu như các em không kể ra được dù chỉ là tương đối chính xác những yêu cầu, phẩm chất tâm lý mà ngành CTXH cần, không nhận thức đúng đắn về điều kiện, phương tiện làm việc của cán bộ CTXH. Khía cạch được các em sinh viên nhận thức đầy đủ nhất về ngành của mình là cơ hội việc làm khi ra trường. Điều đó cho thấy, “đầu ra” của quá trình học tập luôn là sự quan tâm hàng đầu của các em sinh viên.
Hiểu biết của các em sinh viên về năng lực, phẩm chất của bản thân các em được đề tài tìm hiểu ở các khía cạnh hoạt động tìm hiểu năng lực nghề nghiệp của bản thân sinh viên, nhận thức về năng lực nghề nghiệp, tính cách bản thân và sự phù hợp với nghề. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các em chủ yếu tìm hiểu năng lực nghề nghiệp của bản thân qua sách báo, internet … Điều đó đặt ra vai trò của công tác hướng nghiệp cho các em học sinh trong nhà trường phổ thông. Nhận thức của sinh viên về năng lực nghề nghiệp cũng như sự phù hợp nghề còn thiên về chủ quan, cảm tính, chưa dựa trên cơ sở đánh giá một cách khoa học, đầy đủ.
Hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông tuy có được tiến hành nhưng chủ yếu mới chỉ dừng lại ở hình thức, hiệu quả chưa cao. Trong các hình thức hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông mà chúng tôi đưa ra, các em thường thể hiện sự hứng thú với những hình thức hướng nghiệp phong phú, sinh động như tham quan các sơ sở sản xuất, gặp gỡ các chuyên gia thành đạt trong các lĩnh vực nghề nghiệp.
Kiến nghị
Từ kết quả nghiên cứu trên, chúng tôi rút ra một số kiến nghị như sau:
- Đối với học sinh sắp lựa chọn nghề nghiệp và sinh viên CTXH
+ Tích cực hơn nữa trong việc tìm hiểu, khám phá chính năng lực nghề nghiệp của bản thân để đưa ra lựa chọn một cách khoa học, đúng đắn nhất, tránh coi việc chọn nghề của mình là ngẫu nhiên, “chống trượt”,…
+ Chủ động tìm kiếm những nguồn thông tin tin cậy về mặt hướng nghiệp chọn nghề như giáo viên, sách hướng dẫn về hướng nghiệp chọn nghề, các chuyên gia hướng nghiệp, … để có thể có được những nguồn thông tin đáng tin cậy khi lựa chọn nghề.
+ Cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định gắn bó trọn đời mình với một ngành nghề cụ thể, không để việc quan trọng bậc nhất trong đời mình là ngẫu nhiên, cảm tính.
+ Sinh viên CTXH phải hiểu rõ đặc thù ngành nghề mình gắn bó, cơ hội nghề nghiệp, công việc khi tốt nghiệp để có thể rèn luyện, chuẩn bị những kỹ năng, tri thức một cách đầy đủ cho hoạt động nghề nghiệp khi ra trường.
- Đối với nhà trường phổ thông
+ Tăng cường hơn nữa công tác hướng nghiệp, chọn nghề cho học sinh. Hoạt động hướng nghiệp phải thực chất, không làm hình thức cho xong.
+ Làm phong phú thêm các hoạt động hướng nghiệp bằng những hình thức sinh động nhằm lôi cuốn hấp dẫn các em học sinh hơn nữa.
+ Phối hợp với các cơ sở sản xuất, những cá nhân tiêu biểu, thành đạt trong lĩnh vực nghề nghiệp, các chuyên gia về hướng nghiệp để cùng thực hiện một cách hiệu quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ việc chọn nghề cho học sinh.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Tất Dong (Chủ biên), Hoạt động Giáo dục hướng nghiệp (Sách giáo khoa thí điểm – sách giáo viên) lớp 12, NXB Giáo dục, 2002.
2. Lê Thị Dung, Giáo trình Tâm lý học lao động, NXB Lao động – Xã hội, 2009
3. Vũ Dũng (Chủ biên), Việc làm, thu nhập của thanh niên hiện nay - Nhìn từ góc độ tâm lý học, NXB Từ điển bách khoa, 2012.
4. Đào Thị Oanh, Tâm lý học lao động, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.
5. Tài liệu tập huấn tư vấn nghề cho học sinh phổ thông, Bộ Giáo dục – Đào tạo (Lưu hành nội bộ), Hà Nội, 1994