Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Lao động – Xã hội lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 - 2025

Tài nguyên-Tài nguyên nghiên cứu

Một số phương pháp dạy TOEIC hiệu quả cho sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Lao động - Xã hội (ThS. Lê Thị Thu Thủy - Khoa Ngoại ngữ)
(08/08/2016)

 MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP DẠY TOEIC HIỆU QUẢ CHO SINH VIÊN KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH, TRƯỜNG ĐẠI HỌC LAO ĐỘNG - XÃ HỘI

ThS. Lê Thị Thu Thủy - Khoa Ngoại Ngữ

I. Đặt vấn đề

Trước đây tại Việt Nam, nhiều công ty, doanh nghiệp, tổ chức… thường sử dụng chứng chỉ tiếng Anh phân chia theo cấp độ A, B, C (chứng chỉ ABC) như một tiêu chí ngoại ngữ để đưa ra quyết định về tuyển dụng, bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự hay bố trí nhân viên tu nghiệp tại nước ngoài. Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, chứng chỉ TOEIC nổi lên như một tiêu chuẩn phổ biến hơn để đánh giá trình độ thông thạo tiếng Anh của người lao động.

TOEIC (viết tắt của Test of English for International CommunicationBài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế) là một bài thi nhằm đánh giá trình độ sử dụng tiếng Anh dành cho những người sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ (không phải tiếng mẹ đẻ), đặc biệt là những đối tượng muốn sử dụng tiếng Anh trong môi trường giao tiếp và làm việc quốc tế. Kết quả của bài thi TOEIC phản ánh mức độ thành thạo khi giao tiếp bằng tiếng Anh trong các hoạt động như kinh doanh, thương mại, du lịch…

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động, nhiều trường Đại học, Cao đẳng đã đưa TOEIC vào chương trình giảng dạy và lựa chọn bài thi TOEIC để theo dõi sự tiến bộ trong việc học tiếng Anh đối với sinh viên theo từng học kỳ, năm học hoặc sử dụng làm chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên tốt nghiệp. Trường Đại học Lao động- Xã hội, trong đó có khoa Quản trị kinh doanh cũng không nằm ngoài xu thế đó.

II. Nội dung

1.Thực trạng dạy và học tiếng Anh TOEIC cho sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Lao động - Xã hội          

Quản trị kinh doanh là một trong 5 chuyên ngành đào tạo chính tại trường Đại học Lao động – Xã hội. Hằng năm, khoa Quản trị kinh doanh thu hút khoảng 500 sinh viên bậc học cử nhân. Trong quá trình đào tạo, khoa và nhà trường luôn đề cao chất lượng đào tạo và nâng cao trình độ cho sinh viên là ưu tiên số một. Trong đó, vấn đề nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên đạt chuẩn là nhiệm vụ, là chính sách đào tạo hết sức quan trọng nhằm trang bị cho sinh viên hành trang vững vàng trước khi bước ra đời. Để nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh, sinh viên, khoa Quản trị kinh doanh và khoa Ngoại ngữ đã đề xuất với nhà trường áp dụng TOEIC làm chuẩn tiếng Anh đầu ra; giúp các em trang bị một công cụ làm việc hiệu quả để hội nhập với môi trường làm việc chuyên nghiệp trong tương lai. Theo đó, đến khi tốt nghiệp, sinh viên khoa Quản trị kinh doanh phải đạt trình độ tiếng Anh tương đương TOEIC 450. 

Để giúp sinh viên có thể đạt được chuẩn tiếng Anh nêu trên, nhà trường đã có một số giải pháp cụ thể. Chẳng hạn, ngoài chương trình tiếng Anh cơ bản chung của nhà trường (5 tín chỉ), sinh viên khoa Quản trị kinh doanh còn được học thêm 2 kỳ tiếng Anh TOEIC nâng cao (3tín chỉ). Bên cạnh đó, Khoa Ngoại ngữ đã đưa vào áp dụng chương trình đào tạo mới với giáo trình phù hợp cũng như luôn đẩy mạnh việc áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, hiện đại nhằm giúp sinh viên làm quen với các dạng bài thi TOEIC và đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra tiếng Anh của nhà trường.

2. Một số đòi hỏi đối với giảng viên trong quá trình giảng dạy TOEIC tại khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Lao động - Xã hội

- Giáo viên cần phải có phương pháp giảng dạy thích hợp: Trước đây, giáo viên dạy và giáo viên ra đề thi do đó giáo viên có thể chủ động về phương pháp dạy của mình. Tuy nhiên, khi chuyển sang dạy tiếng Anh theo chuẩn TOEIC giáo viên phải năng động tìm ra những phương pháp hay và phù hợp để lôi cuốn sinh viên đến lớp. Đơn giản bởi lẽ nếu dạy không hay sinh viên có thể bỏ học hoặc chuyển sang lớp khác. Hơn nữa, do cấu trúc bài thi TOEIC tập trung chủ yếu vào 2 kỹ năng: Listening (nghe hiểu) và Reading (đọc hiểu), vì vậy giáo viên phải biết phân bổ thời gian giảng dạy hợp lý trong đó chú trọng vào việc giảng dạy 2 kỹ năng này.

- Giáo viên phải đổi mới phương pháp làm việc:  Trước đây đề thi của trường ra ngắn hơn nhiều so với đề thi TOEIC, trong thời gian 90 phút, sinh viên có đủ thời gian làm bài. Tuy nhiên với bài thi TOEIC sinh viên phải có kỹ năng tư duy nhanh thì mới đủ thời gian làm (với bài thi gồm 200 câu, sinh viên chỉ được làm trong 120 phút ). Vì vậy, để sinh viên có thể đáp ứng khả năng và kỹ năng làm bài theo chuẩn TOEIC thì giáo viên phải là người đầu tiên đổi mới phương pháp làm việc nhanh hơn và khoa học hơn.

3. Áp dụng một số phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Anh TOEIC tại khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Lao động - Xã hội

Như đã đề cập ở trên, bài thi TOEIC tập trung vào 2 kỹ năng nghe và đọc hiểu. Đối với kỹ năng đọc hiểu, việc nắm vững kiến thức ngữ pháp sẽ góp phần giúp nâng cao hiệu quả học tiếng Anh cũng như kết quả thi. Vì vậy, trong khuôn khổ bài viết, tác giả xin đề xuất một số phương pháp giảng dạy tiếng Anh TOEIC hiệu quả áp dụng với kỹ năng nghe và ngữ pháp.

3.1. Một số phương pháp dạy kỹ năng nghe TOEIC

- Giúp học sinh suy nghĩ, thảo luận, khám phá về chủ đề mình sắp sửa nghe, làm sao lôi cuốn được sự hứng thú của sinh viên, tạo ra nhu cầu muốn nghe cho các em:  Nếu như ở bài đọc hiểu sinh viên có thể đọc nhiều lần để tìm ra đáp án thích hợp, thì trong bài Nghe hiểu, sinh viên chỉ có thể tiếp cận bài nghe một hoặc vài lần tùy theo giảng viên. Nếu trong vài lần đó sinh viên không lọc ra được thông tin cần thiết, các em sẽ dễ nản và có tâm lí học không tốt. Để giải quyết vần đề này, giảng viên phải chuẩn bị cho học sinh những gì họ cần để hiểu được những gì sắp nghe. Nói cách khác, giảng viên đang dạy sinh viên kỹ năng nghe chứ không phải là đang kiểm tra nghe. Do đó, người dạy nên cung cấp trước cho sinh viên, ngoài kỹ năng để nghe, một lượng kiến thức đầy đủ về chủ đề sắp nghe. Ví dụ: Với những bài nghe có nội dung như một câu chuyện hoặc về một quá trình, giáo viên có thể dùng máy chiếu giới thiệu đến sinh viên một số câu văn hoặc bức tranh về nội dung bài nghe, và yêu cầu các em sắp xếp lại theo trình tự như dự đoán của chúng về nội dung câu chuyện hay quá trình đó. Ngoài ra giáo viên có thể dùng thủ thuật Pre - Questions bằng cách đưa ra một số câu hỏi gợi ý về chủ đề sắp nghe để học sinh suy nghĩ và dự đoán về nội dung bài hoặc yêu cầu học sinh tự đặt một số câu hỏi mà các em hy vọng bài nghe sẽ trả lời.

- Phân biệt thông tin cần nghe với những thông tin còn lại: Thông thường, trước khi nghe, bao giờ người nghe cũng có một khoảng thời gian ngắn (1-2 phút) để đọc qua những câu hỏi yêu cầu hoặc nghe chỉ dẫn trong băng, đĩa. Do vậy, giáo viên cần hướng dẫn sinh viên cách thức tận dụng những câu hỏi và chỉ dẫn này bằng cách suy đoán thông tin cần nắm bắt và chủ đề của bài nghe, nhờ đó sinh viên có thể vận dụng vốn hiểu biết của mình để có sự chuẩn bị trước về vốn từ và một số cấu trúc câu cần thiết. Nếu làm tốt điều này thì lượng thông tin cần ghi nhớ sẽ giảm đi, sinh viên sẽ phần nào phân biệt được những thông tin cần nghe với những thông tin không quan trọng khác trong bài.

- Cách suy luận được ý chính của bài nghe qua từ ngữ quan trọng: Những từ ngữ quan trọng trong bài là những từ ngữ mà dựa vào đó, người nghe có thể suy ra ý chính của bài nghe. Thường thì những từ này được nhấn mạnh trong câu hoặc có thể được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài. Chính vì vậy, giáo viên cần chỉ dẫn sinh viên nên dựa vào một số dấu hiệu ngôn từ này để nắm bắt được ý chính của bài nghe. Ví dụ: Những cụm từ dùng để liệt kê ý chính là: I would like to emphasize, The general point you must remember is, It is important to note that, I repeat that, Another thing is, Finally, That is, Now,... Những cụm từ được sử dụng để liệt kê ví dụ là: such as, Let me give you some examples, For example/ instance, I might add, To illustrate thi spoint,...

Ngoài ra, để có thể ghi nhớ hết những thông tin quan trọng trong bài, sinh viên cần có sự ghi chép. Tuy nhiên, cần phải bố trí phần ghi chép cho hợp lý để dễ sử dụng và tránh gây nhầm lẫn.

3.2. Một số phương pháp dạy ngữ pháp TOEIC hiệu quả

- Dạy ngữ pháp qua các cấu trúc, quy luật và ví dụ theo tình huống: thay vì việc yêu cầu sinh viên ghi nhớ các công thức, cấu trúc ngữ pháp một cách máy móc, giáo viên có thể giới thiệu vấn đề hay cấu trúc ngữ pháp theo một tình huống thực tế cụ thể. Nhờ có tình huống cụ thể mà sinh viên có thể đoán được cách thức sử dụng của cấu trúc ngữ pháp. Sinh viên sẽ có khả năng ghi nhớ lâu hơn rất nhiều khi các điểm ngữ pháp tình huống được lập lại nhiều lần thông qua giáo viên liên tục nhấn mạnh những khái niệm cụ thể, quy tắc, cấu trúc quan trọng trong các bài giảng và bài tập về nhà trong suốt khóa học. Ngoài ra, phương pháp này cũng rất có ích trong quá trình vận dụng sau này bởi sinh viên sẽ biết cách sử dụng cấu trúc ngữ pháp trong tình huống cụ thể ngoài đời.

- Sử dụng hình ảnh minh họa sinh động để giới thiệu vấn đề ngữ pháp: Đối với một số vấn đề ngữ pháp, việc sử dụng hình ảnh là một sự lựa chọn tối ưu giúp giáo viên đưa ra cấu trúc một cách sinh động, trực tiếp và rõ ràng trong một tình huống cụ thể. Việc sử dụng hình ảnh thông qua sự trợ giúp của các phương tiện nghe nhìn trong giảng dạy sẽ giúp giáo viên truyền tải hiệu quả và dễ dàng hơn các khái niệm khó và trừu tượng. Hình ảnh cũng sẽ giúp sinh viên tiếp cận và nắm bắt thông tin nhanh hơn vì sinh viên có thể hình dung ngữ cảnh rõ ràng.

- Sử dụng phương pháp tư duy: Hầu hết các sinh viên học ngữ pháp bằng cách ghi nhớ máy móc các cấu trúc cũng như cách thức sử dụng. Đây là một trong những lý do tại sao sinh viên luôn cảm thấy khó khăn khi học ngữ pháp. Vì vậy, giáo viên nên giúp sinh viên sử dụng và phát huy khả năng tư duy khi học ngữ pháp. Giáo viên nên hướng dẫn sinh viên phân biệt giữa thông tin nào cần học thuộc lòng và thông tin nào cần tư duy để nhớ. Ngoài ra, giáo viên nên giúp sinh viên vận dụng các quy tắc ngữ pháp vào ngữ cảnh cụ thể. Bằng cách này, sinh viên sẽ dần phát triển khả năng tư duy, suy luận và cách tiếp nhận kiến thức mới dễ dàng. Ví dụ, khi dạy cách sử dụng của thì quá khứ đơn, giáo viên có thể giúp sinh viên phát triển tư duy bằng cách yêu cầu sinh viên vận dụng vào các tình huống trong quá khứ.

Ngoài ra, giáo viên cũng nên giúp sinh viên so sánh các điểm cũng như cấu trúc ngữ pháp có mối tương quan nhằm giúp sinh viên phân biệt rõ ràng các cấu trúc ngữ pháp và hiểu sâu hơn cách thức sử dụng để tránh nhầm lẫn. Thông qua cách so sánh, sinh viên sẽ tự phát triển khả năng tư duy và mối quan hệ của các điểm ngữ pháp. Nếu sinh viên có thể liên hệ những kiến thức cũ thì việc học kiến thức mới sẽ diễn ra dễ dàng và thuận lợi hơn.

III. Kết luận

Thực tế cho thấy sinh viên gặp khá nhiều khó khăn để có thể đạt được trình độ tiếng Anh tương đương TOEIC 450. Để đạt được mức điểm này, cần có sự phối kết hợp của nhiều yếu tố từ cả phía người dạy và người học. Mà một trong số yếu tố đó chính là phương pháp giảng dạy của giáo viên bởi lẽ nó có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập cúa sinh viên. Những phương pháp giảng dạy đưa ra trong bài viết này có thể phát huy hiệu quả nếu được áp dụng một cách đúng đắn. Nhưng đồng thời bản thân người học phải kiên trì, bền bỉ, lựa chọn phương pháp thích hợp phù hợp với trình độ và hoàn cảnh của mình, từ đó cảm thấy thích thú học hơn và qua đó đạt được mục tiêu mong muốn.

Tài liệu tham khảo:

1. Boldt, R.F. & Ross, S.J., 1998. The Impact of Training Type and Time on TOEIC Scores. Texas: ETS.

2. Chou, Chin-Ting E., 2007. Factors affectinglanguage proficiency of English language learners at language institutes in the United States.

3. Hedge, T., 2000. Teaching and learning in the language classroom. Oxford: OUP.

Tin khác

Số người truy cập: 29805272

Trường đại học lao động xã hội

43 Trần Duy Hưng - Trung Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội - ĐT :043.5564584 - Fax:043.5564584 In trang này

Giấy phép thiết lập Website trên Internet số 348/GP-BC ngày 23/11/2006 của Cục Báo Chí - Bộ Văn Hóa - Thông Tin.