Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Lao động – Xã hội lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 - 2025

Tài nguyên-Tài nguyên nghiên cứu

Kỹ năng tư vấn của cố vấn học tập trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ
(06/08/2015)

KỸ NĂNG TƯ VẤN CỦA CỐ VẤN HỌC TẬP TRONG
ĐÀO TẠO THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ

TS. Lục Mạnh Hiển – ThS. Hoàng Hải Hậu

                                                    Phòng Đào tạo

Đào tạo theo tín chỉ là thay đổi tất yếu để giáo dục đại học Việt Nam hòa nhịp được với giáo dục thế giới. Đặc biệt nhất của hình thức đào tạo tín chỉ là trao lại quyền chủ động cho người học, vì vậy, có nhiều sinh viên đã có thể ra trường sau 3 năm rưỡi; cùng một thời điểm có thể tốt nghiệp ở hai ngành; ngược lại cũng nhiều sinh viên đã học 7 đến 8 năm nhưng vẫn thiếu số tín chỉ cần thiết. Có thể nói kết quả học tập phụ thuộc vào chiến lược mà mỗi sinh viên đặt ra cho mình, nhưng để làm được việc này, các em cần được tư vấn để hình dung ra kế hoạch học tập cho toàn khóa, thích ứng được với đời sống bậc đại học và lựa chọn được ngành nghề cho tương lai.

Đặc trưng của đào tạo theo tín chỉ là trao lại sự chủ động trong học tập cho sinh viên, nhưng sinh viên gặp không ít khó khăn trong việc định hướng, vì vậy các trường đã thành lập đội ngũ cố vấn học tập (CVHT) để tư vấn cho sinh viên chọn lựa được cách học, quy trình học tập, học gì, học thế nào, thời điểm ra trường phù hợp với năng lực của từng sinh viên. Như vậy, chức danh CVHT chỉ ra đời khi có đào tạo theo tín chỉ. Đồng thời, hoạt động tư vấn của CVHT phải trở thành một hoạt động chuyên nghiệp, nghĩa là CVHT phải có kỹ năng của một nhà tư vấn, như trong giao tiếp với sinh viên cần tạo ra không khí thân mật, thoải mái, ngay cả khi nhận được lời phàn nàn từ các em (kỹ năng lắng nghe, đặt câu hỏi và phản hồi); phải cung cấp được những thông tin cho sinh viên, động viên khích lệ được sinh viên và cần gợi ý được giải pháp cho vấn đề mà các em đang gặp phải.

Qua việc tổng hợp các tài liệu nghiên cứu của các tác giả về hoạt động tư vấn của CVHT và thực tế về kỹ năng cần thiết của người CVHT, kỹ năng tư vấn của CVHT có thể được hiểu là: Kỹ năng tư vấn của cố vấn học tập là sự vận dụng kiến thức, kinh nghiệm của người cố vấn học tập vào hoạt động trợ giúp cho sinh viên, thông qua sử dụng các kỹ năng thành phần  như lắng nghe, đặt câu hỏi, cung cấp thông tin và động viên khích lệ để giúp sinh viên đạt được mục tiêu học tập theo học chế tín chỉ ở đại học.

Xuất phát từ kết quả khảo sát và tổng hợp các kết quả nghiên cứu cho thấy cho thấy những kỹ năng được CVHT và sinh viên lựa chọn nhiều nhất là kỹ năng lắng nghe, đặt câu hỏi, cung cấp thông tin và động viên khích lệ. Như vậy, kỹ năng tư vấn của cố vấn học tập được xác định bao gồm 4 kỹ năng trên và nội dung về những biểu hiện cụ thể của các kỹ năng trên như sau:

1.      Kỹ năng lắng nghe

Lắng nghe được hiểu là sự cảm nhận bằng cơ quan thính giác, dùng tai để tiếp nhận âm thanh. Theo Hoàng Phê (1997): “Lắng nghe là sự tập trung sức nghe để thu nhận âm thanh”, “Lắng nghe là sự thể hiện sự chú ý để hiểu những gì mà chúng ta nghe thấy”. Crookston (1994), Checkering (2006) cho rằng, việc thiết lập mối quan hệ giữa CVHT với sinh viên là việc làm đầu tiên có tính chất cốt lõi để tạo ra môi trường an toàn, thân thiện cho sinh viên khi tìm đến sự trợ giúp, vì thế một trong những yêu cầu đối với CVHT là thể hiện được sự lắng nghe tốt. Nghiên cứu của Mary Ann Clark, Ellen Amatea (2004) cũng cho thấy để có mối quan hệ tốt giữa các sinh viên, giảng viên, phòng ban, điều quan trọng là phải lắng nghe được sinh viên nói gì. Tác giả Susan D. Bates (2009), cho rằng CVHT cần có thái độ tích cực, tạo ra môi trường an toàn cho sinh viên và có thể lắng nghe tốt khi sinh viên trò chuyện.

Như vậy có thể hiểu kỹ năng lắng nghe của cố vấn học tập là khả năng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm của người cố vấn học tập vào việc quan sát tinh tế, tập trung chú ý, thể hiện sự tôn trọng để hiểu được cảm xúc, suy nghĩ của sinh viên trong vấn đề sinh viên nói đến, nhằm nâng cao năng lực tự giải quyết vấn đề khó khăn trong cuộc sống của sinh viên.

Mục đích của kỹ năng lắng nghe trong hoạt động tư vấn của CVHT:

-   Tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa sinh viên và CVHT

-   Thể hiện được sự tôn trọng đối với sinh viên

-   CVHT hiểu được vấn đề của sinh viên (suy nghĩ, cảm xúc, nhu cầu)

-   Giúp sinh viên chia sẻ nhiều thông tin nhất có thể

Để có kỹ năng lắng nghe sinh viên, CVHT cần:

-   Tập trung vào vấn đề sinh viên đang nói để có thể ghi nhớ được nhanh chóng.

-   Chú ý vào vấn đề của sinh viên thông qua thể hiện ở đôi mắt, gật đầu; cần có những từ đệm như ừ, à, ...

-   Lắng nghe để hiểu được câu chuyện của sinh viên, có thể trình bày lại tóm tắt để sinh viên biết là CVHT đã hiểu thật sự, có thể dùng các câu như: Cô/Thầy hiểu vấn đề của em là...; ý em là...; như vậy, vấn đề của em là...

-   Lắng nghe để tạo ra mối quan hệ tin cậy, để sinh viên có thể mạnh dạn trò chuyện về vấn đề đang gặp để có cách giải quyết tối ưu.

Biểu hiện kỹ năng lắng nghe của CVHT thể hiện ở các ý sau:

Quan sát tinh tế

-                     Quan sát và nhận biết được hành vi, cử chỉ, cảm xúc của sinh viên

-                     Ghi nhớ nội dung quan sát (có thể ghi chép lại cẩn thận)

-                     Điều chỉnh ánh mắt phù hợp khi quan sát (không nhìn chằm chằm vào sinh viên)

Tập trung chú ý

-                     Tập trung vào vấn đề sinh viên đang trình bày: im lặng để nghe, không ngắt lời

-                     Không phản bác, không suy diễn hay dự đoán

-                     Không làm việc khác trong khi nghe (nghe điện thoại, ghi chép việc riêng…)

Thể hiện sự tôn trọng

-                     Tạo không khí thoải mái bằng ánh mắt thân thiện

-                     Cử chỉ gật đầu, ừ, à,mắt hướng về phía sinh viên

-                     Cơ thể thả lỏng, khuôn mặt thư giãn

2.       Kỹ Năng đặt câu hỏi

Các tác giả Jones, Wolff, Dayton và Helliwell (1975) cho rằng, trước khi phát triển một chương trình đào tạo, việc tư vấn cho người học là quan trọng nhất, phải có kỹ thuật tư vấn thì mới có hiệu quả, do vậy những người tư vấn cần có kỹ năng đặt câu hỏi và kỹ năng cung cấp thông tin tốt. Tác giả Wilen, W. William (1982) khi bàn về kỹ năng đặt câu hỏi của giáo viên, giảng viên, ông cho rằng trong việc đặt câu hỏi với sinh viên, cần để ý đến suy nghĩ, cảm xúc, thái độ của sinh viên và cần chuẩn bị cẩn thận những câu hỏi dự định hỏi, bởi các câu hỏi có tác động rất mạnh mẽ đến tin thần của các em, do vậy cần thể hiện được sự khích lệ trong câu hỏi.

Nghiên cứu của Stone Clark (2001) về hoạt động của CVHT thấy rằng, CVHT cần có kỹ năng đặt câu hỏi để hiểu vấn đề; có kỹ năng thu thập thông tin từ các nguồn; can thiệp vào tiến trình học tập để đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Các tác giả Charlie Nutt (2001), A.B. McMahan (2008) cho rằng, các cố vấn cần có kỹ năng tư vấn thể hiện ở việc trò chuyện được với sinh viên, hiểu được tình trạng của sinh viên bao gồm năng lực, sở thích, điều kiện sinh hoạt, hoàn cảnh kinh tế… để có thể hướng dẫn sinh viên xây dựng kế hoạch học tập và có thể hỗ trợ sinh viên trong những tình huống đặc biệt (hướng dẫn thực hiện các khiếu nại, đề xuất…).

Như vậy kỹ năng đặt câu hỏi của cố vấn học tập có thể được định nghĩa là khả năng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm của người cố vấn học tập để chủ động khám phá, gợi mở vấn đề của sinh viên một cách rõ ràng, với thái độ khích lệ, nhằm giúp sinh viên nâng cao nhận thức và tự giải quyết vấn đề của mình trong học tập theo tín chỉ.

Mục đích của kỹ năng đặt câu hỏi trong hoạt động tư vấn của CVHT:

-                     Tạo ra sự tương tác, giao tiếp tích cực giữa CVHT và sinh viên

-                     Thu thập thông tin về vấn đề của sinh viên

-                     Nhận biết suy nghĩ, quan điểm của sinh viên về vấn đề của mình

-                     Khơi gợi tiềm năng của sinh viên đối với vấn đề đang gặp

-                     Giúp sinh viên nhận thức được về bản thân và hoàn cảnh để có cách giải quyết hợp lý cho vấn đề đang gặp.

Yêu cầu đối với kỹ năng đặt câu hỏi:

-   Đặt câu hỏi cần rõ ràng, mạch lạc, không hỏi nhiều ý hỏi.

-   Xác định rõ mục tiêu khi hỏi

-   Để ý về thời điểm, tần suất các câu hỏi

-   Hỏi về cảm xúc, suy nghĩ của sinh viên

-   Có phản hồi giữa những lần hỏi.

-   Xử lý khéo léo trong những tình huống sinh viên không muốn trả lời.

Biểu hiện kỹ năng đặt câu hỏi của CVHT được xác định qua các ý sau:

Biết cách đặt câu hỏi

-                     Sử dụng câu hỏi hợp lý, linh hoạt, có nhiều câu hỏi mở

-                     Câu hỏi bắt đầu với các từ như: cái gì?  điều gì? kết thúc câu hỏi với các từ như: thế nào? ra sao? …

-                     Sử dụng câu hỏi đóng một cách hạn chế, có suy xét (chỉ trong những trường hợp cần thiết)

Định hướng rõ nội dung hỏi

-                     Hỏi về cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của sinh viên

-                     Hỏi về thông tin liên quan hiện tại chứ không chỉ về quá khứ

-                     Hỏi về suy nghĩ, mong muốn, nhu cầu và hướng giải pháp của chính sinh viên

Làm chủ tiến trình hỏi

-                     Xác định thời điểm, tần suất câu hỏi phù hợp

-                     Không dẫn dắt sinh viên theo ý kiến chủ quan của mình

-                     Hỏi và chấp nhận cách sinh viên trả lời nhanh hoặc chậm, không hối thúc

Thể hiện thái độ khích lệ trong khi hỏi

-                     Thể hiện thái độ tôn trọng, không phê phán, chấp nhận sinh viên

-                     Tôn trọng sự im lặng, dành thời gian cho sinh viên suy nghĩ.

-                     Có hành vi khích lệ như phản hồi, tóm lược, khen ngợi rồi mới hỏi tiếp

3.      Kỹ năng cung cấp thông tin

Tất cả các tác giả nghiên cứu về hoạt động của cố vấn học tập như John H. Borgard (1981), Hendey (1999), Creamer (2000)…  đều cho rằng hoạt động chủ đạo trong tư vấn của CVHT là cung cấp thông tin cho sinh viên. Tác giả Robert E. Doyle (1992) phân tích cụ thể hơn, kỹ năng tư vấn là việc trao đổi, cung cấp thông tin và kết thúc thường là bằng hành động nào đó. Có thể mô tả như sau: CVHT sử dụng kỹ năng tư vấn “để tiếp nhận thông tin của sinh viên; CVHT phản hồi lại thông tin của sinh viên (bằng cách tóm lược)” sau đó, CVHT cung cấp thông tin cho sinh viên. Để cung cấp được thông tin tốt cho sinh viên, CVHT cần tích cực trong việc tìm kiếm, tích lũy tất cả các nguồn tin; còn trong quá trình cung cấp thông tin, CVHT cần lựa chọn thông tin khách quan, trung thực, phù hợp với đặc điểm của sinh viên mình đang tư vấn.

Mặc dù vào những thời điểm khác nhau, nhưng các tác giả Schwartz (1986) và Neukrug (1999) đều cho rằng cung cấp thông tin là việc chia sẻ trực tiếp về những sự thực, ý tưởng, giá trị và niềm tin của người tư vấn, do vậy điều quan trọng là người tư vấn cần có khả năng trong việc truyền đạt và có thái độ đúng đắn khi nói về bất kỳ thông tin nào mà họ có, vì những thông tin nhận được sẽ tác động rất lớn đến sự hiểu biết và sự trưởng thành của đối tượng. Doyle (1992) cũng nhận định, việc cung cấp thông tin cho các đối tượng cần căn cứ vào sự hiểu biết cẩn thận về nhu cầu của các đối tượng và cân nhắc tính hiệu quả đối với họ. Lantta M. (2008) yêu cầu phải có sự công bằng trong giúp đỡ.

Từ các nghiên cứu cho thấy Kỹ năng cung cấp thông tin của cố vấn học tập là khả năng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm của người làm cố vấn học tập vào việc truyền đạt cho sinh viên những thông tin có chất lượng, chính xác với thái độ tôn trọng, nhằm mục đích giúp sinh viên nâng cao nhận thức và tự giải quyết vấn đề của mình trong quá trình học tập theo tín chỉ.

Mục đích kỹ năng cung cấp thông tin trong hoạt động tư vấn của CVHT:

-                     Cung cấp cho sinh viên biết những thông tin của các cấp (Ban Giám hiệu; các Phòng Ban; các Khoa…; các cơ sở tuyển dụng; các cơ sở thực tập…) để sinh viên có thêm thông tin khách quan, chính xác

-                     Giúp sinh viên nhìn nhận lại vấn đề của mình và tự giải đáp thắc mắc

-                     Giúp sinh viên chọn lựa cách giải quyết cho vấn đề mình đang gặp từ thông tin được cung cấp

-                     Giúp sinh viên trưởng thành hơn trong đời sống nhờ các thông tin hữu ích mà CVHT mang lại cho sinh viên

Yêu cầu đối với kỹ năng cung cấp thông tin:

Để cung cấp được thông tin tốt cho sinh viên, CVHT cần đáp ứng được các yêu cầu:

-                     Thu thập được những thông tin từ các nguồn thông tin đáng tin cậy, chính xác và khách quan, giúp cho sinh viên nhìn nhận được toàn diện vấn đề.

-                     Có kỹ năng truyền đạt thông tin rõ ràng, mạch lạc (tránh việc sinh viên hiểu nhầm) và kiểm soát được cảm xúc của mình trong quá trình cung cấp thông tin (không nghiêm trọng hóa, hoặc đơn giản hóa vấn đề) để sinh viên hình dung được tổng thể sự việc và lựa chọn được phương án giải quyết cho mình.

Biểu hiện kỹ năng thu thập thông tin của CVHT được thể hiện qua các ý:

Nguồn thông tin chất lượng, khách quan

-                     CVHT sử dụng các nguồn thông tin có cơ sở, chính xác, thiết thực, phù hợp với từng khóa học, năm học, giới tính.

-                     Thông tin từ các Phòng, Ban, các Khoa, thông báo chính thức của Nhà trường; từ các nhà chuyên môn, các công trình nghiên cứu khoa học, các sản phẩm ứng dụng.

-                     Thông tin từ các đơn vị có thẩm quyền, đại diện cho cơ quan truyền thông, các cơ quan tuyển dụng...

Cách thức truyền đạt thông tin

-                     CVHT tóm tắt lại vấn đề sinh viên cần tư vấn, khi cần thì ghi ra giấy các thông tin cho sinh viên dễ kiểm tra lại

-                     Diễn đạt đúng, đủ, cụ thể về thông tin cần cung cấp

-                     Hỏi lại sinh viên để kiểm chứng sinh viên đã hiểu ý mình vừa trao đổi

Thái độ khi cung cấp thông tin (giọng nói, ánh mắt...)

-                     Thái độ khi trình bày thông tin thư giãn, không căng thẳng, không nhăn trán, nhíu mày gây khó hiểu cho sinh viên

-                     Mạnh dạn bày tỏ sự hạn chế của cá nhân trong việc cung cấp/trình bày thông tin

-                     Để sinh viên tự lựa chọn thông tin cần thiết, không can thiệp vào quyết định của sinh viên

4.      Kỹ năng khuyến khích động viên

Các tác giả Robert Manthei (1997); C.Tavris, C.Wade (2007), Cynthia Franklin, Terry S. Trepper và cộng sự (2011) cho rằng hoạt động tư vấn nói chung đều cần đưa đến giải pháp, nhưng điều quan trọng là sinh viên cảm thấy vững vàng khi lựa chọn giải pháp và quyết tâm thực hiện. Điều này đòi hỏi CVHT phải thấu hiểu được vấn đề của sinh viên và cần có kỹ năng động viên khích lệ. Mary Ann Clark, Ellen Amatea (2004), Arnsperger Selzer, R. & Ellis Rouse, J. (2013), cho rằng, một trong số các kỹ năng quan trọng của CVHT chính là động viên khích lệ sinh viên thực hiện giải pháp mà các em vừa lựa chọn, thông qua việc bày tỏ sự cảm thông, tán thành với sinh viên về vấn đề của các em; công nhận những điều tốt đẹp mà sinh viên đã làm được động viên các em thực hiện những quyết định mới.

Từ những ý kiến về kỹ năng động viên khích lệ và từ thực tiễn công việc tư vấn của CVHT, chúng ta có thể hiểu kỹ năng động viên khích lệ của CVHT là khả năng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm của người cố vấn học tập vào việc bày tỏ sự thấu hiểu vấn đề của sinh viên, khuyến khích và hỗ trợ sinh viên tự tin vào bản thân, giúp sinh viên nâng cao nhận thức và năng lực tự giải quyết vấn đề của mình trong quá trình học tập theo tín chỉ.

      Mục đích kỹ năng động viên khích lệ của CVHT đối với sinh viên:

-                     Thể hiện sự tin tưởng vào sinh viên

-                     Khen ngợi những việc sinh viên đã thực hiện mà mình biết

-                     Tán thành với những suy nghĩ đúng đắn của sinh viên

-                     Giúp sinh viên cảm thấy có động lực để thực hiện điều các em mong muốn

-                     Thể hiện sự sẵn sàng trợ giúp khi sinh viên cần đến mình

Biểu hiện kỹ năng động viên khích lệ của CVHT được thể hiện qua các ý:

Bày tỏ sự thấu hiểu vấn đề của sinh viên bằng cử chỉ (không lời)

-                     Gật đầu thể hiện sự chia sẻ, mắt mở hơi to lên, hai bàn tay mở ra khi nói chuyện

-                     Phản hồi bằng các từ ngắn: “ừ”, “à”

-                     Ánh mắt thông cảm hướng về phía sinh viên

Bày tỏ sự thấu hiểu với sinh viên bằng lời nói

-                     Lời nói thể hiện sự chấp nhận sinh viên

-                     Lời nói thể hiện sự ủng hộ sinh viên

-                     Nói về việc giữ bí mật đối với những điều sinh viên chia sẻ

Khuyến khích sinh viên tự tin vào bản thân khi giải quyết các vấn đề của mình

-                     Khen ngợi những gì sinh viên đã hiểu tốt, làm đúng trong thời gian qua

-                     Thể hiện sự tin tưởng bằng ánh mắt, gật đầu để khuyến khích các em mạnh dạn xử lý các tình huống xẩy ra

-                     Nói với sinh viên: việc tìm đến CVHT ngầm ẩn sự nỗ lực của các em trong việc giải quyết vấn đề

Hỗ trợ giải quyết vấn đề

-                     Gợi ý và phân tích cho sinh viên thấy rõ lợi ích của từng giải pháp trong trường hợp của các em

-                     Hướng dẫn sinh viên gặp ngay người có thể giải quyết việc này (vì kinh nghiệm từ trước đó đã có sinh viên gặp vấn đề tương tự)

-                     Ngỏ ý muốn tiếp tục hỗ trợ sinh viên nếu sinh viên chưa giải quyết vấn đề của mình.

Những phân tích trên cho thấy kỹ năng tư vấn của cố vấn học tập là tổ hợp của các kỹ năng thành phần, trong đó biểu hiện rõ nhất 4 nhóm kỹ năng: kỹ năng lắng nghe; kỹ năng đặt câu hỏi; kỹ năng cung cấp thông tin và kỹ năng động viên khích lệ. Do đó, người làm công tác CVHT cần phải nắm bắt và hoàn thiện các kỹ năng trên để đáp ứng và nâng cao hiệu quả nhiệm vụ cố vấn học tập của mình./.

Tin khác

Số người truy cập: 30945000

Trường đại học lao động xã hội

43 Trần Duy Hưng - Trung Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội - ĐT :043.5564584 - Fax:043.5564584 In trang này

Giấy phép thiết lập Website trên Internet số 348/GP-BC ngày 23/11/2006 của Cục Báo Chí - Bộ Văn Hóa - Thông Tin.