NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC LAO ĐỘNG – XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁC MÔN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - Ths. Đào Mai Phước – Khoa Lý luận chính trị
Khi nói đến mối quan hệ giữa nhận thức và thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: phải có nhận thức đúng thì mới có hành động đúng. Như vậy, để sinh viên Trường Đại học Lao động - Xã hội có thể đạt được kết quả cao nhất trong học tập thì phải có nhận thức đúng đắn về môn học trên nhiều khía cạnh khác nhau như ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn…Với ý nghĩa ấy, các môn lý luận chính trị (LLCT) cũng không nằm ngoài nội dung này.
Cũng như các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc, hiện nay, các môn LLCT được giảng dạy trong Trường Đại học Lao động – Xã hội bao gồm môn: Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin (phần 1 và phần 2); Tư tưởng Hồ Chí Minh; Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
1.1.Thực trạng nhận thức của sinh viên về các môn lý luận chính trị
Những năm qua, Khoa LLCT được Nhà trường giao nhiệm vụ giảng dạy các môn lý luận chính cho sinh viên các khóa, các hệ trong toàn trường. Khoa đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, đặc biệt, là nâng cao nhận thức của sinh viên trong toàn trường về tầm quan trọng của các môn LLCT thông qua việc nâng cao chất lượng trong mỗi tiết học, bài giảng của giảng viên đảm bảo tính khoa học, sinh động; Tổ chức thường niên hội thi Chung khảo Olympic các môn khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với những chủ đề và mang màu sắc khác nhau, gắn với những sự kiện quan trọng của đất nước và nhà trường.
Tuy nhiên, dưới những biến động của xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế, trong thực tiễn giảng dạy cũng như thông qua sự trao đổi với đồng nghiệp và kết quả học tập của sinh viên, tôi nhận thấy: bên cạnh những sinh viên có nhận thức đúng đắn về các môn LLCT như: ý thức học tập tốt, chuyên cần, làm việc khoa học, ham học hỏi, còn có một số vấn đề đang đặt ra trong nhận thức của sinh viên trong trường về các môn học LLCT.
- Một là: Các môn LLCT và một số môn học cơ bản khác được giảng dạy ngay từ những học kỳ đầu tiên nên dẫn đến việc nhiều sinh viên mới vào trường chưa kịp điều chỉnh do thay đổi môi trường giáo dục từ phổ thông chủ yếu là thụ động sang giáo dục đại học với đòi hỏi tính tự giác cao trong học tập. Từ đó, dẫn đến tâm lý sợ môn học, ý thức thái độ học tập chưa đảm bảo do chưa nhận thức được tầm quan trọng của môn học đó là tạo lập những kiến thức nền tảng nhằm phục vụ cho việc học tập tốt hơn các môn học cơ sở và chuyên ngành.
- Hai là: Do bị ảnh hưởng tư tưởng từ sinh viên khóa trước và những nhận thức còn chưa đầy đủ về môn học, cho rằng: đó là những môn học trừu tượng, khó hiểu, thiếu thực tế và không cần thiết đối với mình sau này. Do đó, nhiều sinh viên chỉ cần học cho qua miễn là không bị điểm F.
- Ba là: Do sinh viên nhận thức đây là môn khó, nên khi học chỉ mang tính chất đối phó, cụ thể là:
+ Những nội dung được giảng viên giao chuẩn bị trước khi lên lớp chủ yếu là copy trên mạng internet sau đó mang đến nộp.
+ Do điểm bài kiểm tra giữa kỳ chiếm 20% trọng số của 40% điểm chuyên cần nên nhiều sinh viên nghỉ học tràn lan, khi đến ngày kiểm tra thì đến tranh thủ quay cóp, chép bài của các bạn đi học đầy đủ. Cá biệt, có nhiều sinh viên khi được giao bài thì đối phó theo kiểu: không chuẩn bị, không nộp bài, không trả lời khi được giảng viên đặt câu hỏi.
1.2. Một số định hướng giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên trường Đại học Lao động – Xã hội đối với các môn LLCT.
Theo tôi, để góp phân nâng cao nhận thức của sinh viên trong trường về các môn học nói chung và các môn LLCT nói riêng, đòi hỏi phải có những định hướng giải pháp từ nhiều phía. Cụ thể như sau:
1.2.1. Về phía giảng viên
- Mỗi giảng viên cần có cách nhìn mới về sinh viên với tư cách là những người mua hàng và thụ hưởng các giá trị giáo dục. Vì vậy, người giảng viên phải lựa chọn những phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho sinh viên hấp dẫn, tạo tâm lý kích thích, muốn khám phá sản phẩm mới này, phải giới thiệu được các giá trị khoa học, giá trị đạo đức, giá trị thực tiễn của môn học này. Ví dụ: với môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin phần 2, khi bàn đến Sản xuất hàng hóa, chúng ta có thể phân tích giúp sinh viên nhận thấy được tầm quan trọng của việc phải phát triển kinh tế hàng hóa – kinh tế thị trường tại Việt Nam, những thành tựu đạt được trong gần 30 năm đổi mới và cả những hạn chế của nó, để từ đó gợi mở cho việc phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Tăng cường trao đổi thông tin về môn học, phương pháp giảng dạy, khả năng tiếp thu để có những điều chỉnh phù hợp. Giảng viên cần giới thiệu về các môn LLCT, các phương pháp sẽ được sử dụng trong quá trình giảng dạy đối với sinh viên. Thông qua tiến trình giảng dạy, mỗi giảng viên cần có những trao đổi, tiếp nhận các ý kiến phản hồi từ sinh viên qua đó có thể điều chỉnh phương pháp, nội dung truyền đạt… để phù hợp với các đối tượng trong quá trình giảng dạy.
- Cần tích hợp nhiều phương pháp giảng dạy để tránh sự nhàm chán do chỉ sử dụng một phương pháp. Căn cứ từng nội dung kiến thức, tiết giảng để sử dụng các phương pháp thuyết trình, phương pháp làm việc nhóm, phương pháp nêu vấn đề và các phương pháp nghiên cứu thực tế nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
- Cần tạo hứng thú với sinh viên trong giờ học, tiết học qua đó sinh viên sẽ có nhận thức mới và đầy đủ hơn về các môn LLCT. Ví dụ: trong môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, khi nghiên cứu về Đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa của Đảng giảng viên có thể cho sinh viên được xem các hình ảnh, trích đoạn về các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc như hát chèo, hát then, hát lượn hay hát xẩm… Chính điều này vừa góp phần giúp sinh viên tự hào hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc vừa tăng tính thực tiễn của môn học.
- Tích cực sử dụng có hiệu quả các phương tiện dạy học. Ngày nay, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ, cho phép con người có thể vận dụng những thành tựu ấy vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, có lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Thực tế đã cho thấy: khi áp dụng khoa học - công nghệ vào dạy học đã góp phần phát huy tác dụng đáng kể trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo cũng như nhận thức của người học.
1.2.2. Về phía sinh viên
- Mỗi sinh viên cần có nhận thức đúng và đầy đủ hơn về các giá trị của môn học LLCT trên các mặt ý thức giáo dục. Ví dụ: với môn tư tưởng Hồ Chí Minh các bạn sinh viên có thể học tập được Người tinh thần tự học. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi và phát triển những lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin gắn với điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam.
+ Ý thức khoa học: không thể phủ nhận Chủ nghĩa Mác – Lênin là một môn khoa học, trong nó chứa đựng những giá trị khoa học cả về lý luận và thực tiễn. Do đó, việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin giúp cho sinh viên có thế giới quan khoa học, nhận thức vấn đề phải đảm bảo tính biện chứng, tránh phiến diện, một chiều.
+ Ý thức thực tiễn: Các môn LLCT đều có xuất phát điểm là các học thuyết và tư tưởng của những nhà nghiên cứu thực tiễn xuất sắc. Gần nhất với chúng ta chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với thực tiễn hoạt động của mình trong 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã trở về chỉ đạo cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi quan trọng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những tư tưởng đó của Hồ Chí Minh đã và sẽ là những giá trị tinh thần vô giá của dân tộc.
Việt Nam đang tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao đó là những con người có trình độ lý luận chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, bên cạnh đó, có trình độ chuyên môn cao, năng động, bản lĩnh …
- Sinh viên cần chuẩn bị sẵn cho mình tâm thế trong quá trình học đại học, không còn ở đó sự thụ động hay tự thỏa mãn với những gì mình đã đạt được. Đây là môi trường mới, môi trường gắn với quá trình tự đào tạo, tự tìm tòi, sáng tạo trên cơ sở sự định hướng của giảng viên hay các cố vấn học tập. Chỉ có sự chuẩn bị tốt như trên thì nhận thức của sinh viên về các môn học trong đó có các môn LLCT mới đúng đắn và đầy đủ.
- Sinh viên cần mạnh dạn trao đổi với giảng viên giảng dạy trực tiếp về những nội dung kiến thức còn chưa hiểu rõ, tăng cường kết nối với giảng viên cũng chính là thông tin phản hồi của người học trong quá trình giảng dạy, điều này là hết sức quan trọng trong điều kiện trường đang thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ. Bên cạnh đó, cần tăng cường trao đổi với các bạn cùng học để nhờ đó nhận thức về nội dung môn học sẽ có thể tốt hơn như cha ông ta thường nói “Học thày không tày học bạn”.
1.2.3. Về phía nhà trường
- Để giảng viên và sinh viên có thể đạt kết quả tốt trong quá trình giảng dạy, học tập theo tôi, nhà trường cần có sự đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất để phục vụ giảng dạy. Hoàn thiện hơn nữa hệ thống giảng đường đảm bảo có đầy đủ các phương tiên phục vụ giảng dạy như loa, mic, máy chiếu có kết nối Internet. Hoàn thiện hệ thống thư viện đảm bảo có đầy đủ các sách và tài liệu giảng dạy, học tập và phục vụ cho hoạt động nghiên cứu.
- Nhà trường cần tạo điều kiện và hỗ trợ để sinh viên nghiên cứu tham gia nghiên cứu thực tế gắn với các môn LLCT như: tham quan các di tích lịch sử kháng chiến, các địa danh gắn với lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc; Tham gia nghiên cứu ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay các công ty liên doanh để có cách nhìn đầy đủ hơn về thực tế xã hội như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: một tấm gương sống có giá trị hơn trăm bài diễn thuyết tuyên truyền.
- Cho phép khoa tiếp tục được tổ chức tổ chức Hội thi Olympic các môn Khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong phạm vi nhà trường có thể kết hợp với một số trường đại học và cao đẳng trên địa bàn, qua đó, tạo ra một sân chơi lành mạnh, khoa học và bổ ích góp phần nâng cao nhận thức của sinh viên về các môn LLCT.
Nhận thức là một quá trình, những trong quá trình đó đòi hỏi phải có những định hướng, chỉ dẫn thì những nhận thức lệch lạc, chưa đầy đủ về một vấn đề nào đó sẽ không còn, khi đó việc gắn nó với thực tiễn sẽ khoa học và chính xác hơn. Với những định hướng giải pháp trên, tác giả mong muốn được góp sức mình vào quá trình nâng cao nhận thức cho sinh viên cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy các môn LLCT tại trường Đại học Lao động – Xã hội trong những năm tới.