Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Lao động – Xã hội lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 - 2025

Tài nguyên-Tài nguyên nghiên cứu

Một số quy định mới về thuế thu nhập cá nhân và giải pháp hoàn thiện khung pháp luật loại thuế này
(06/08/2015)

MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LUẬT LOẠI THUẾ NÀY

ThS. Phạm Kim Thoa -  Bộ môn Luật

Sau 6 năm Luật thuế thu nhập cá nhân chính thức có hiệu lực thi hành, một số quy định đã trở nên khá lạc hậu, cần phải đựơc chỉnh sửa cho phù hợp. Bên cạnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, ra đời cuối năm 2014, trong đó có sửa một số quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007, ngày 26/5/2015, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hợp nhất các Nghị định hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhânLuật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi.

Theo đó, có 03 Nghị định được hợp nhất, bao gồm:

- Nghị định 65/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

- Nghị định 91/2014/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định về thuế.

- Nghị định 12/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế.

Thông qua Nghị định này của Bộ Tài chính, có thể thấy rằng, những nội dung mới của các quy định pháp luật liên quan đến thuế thu nhập cá nhân đã tiến dần hơn đến việc đảm bảo nguyên tắc công bằng trong phân bổ nguồn thu nhập chịu thuế của các đối tượng chịu thuế trong xã hội. Hơn thế, việc đơn giản hóa thủ tục kê khai thuế hơn rất nhiều so với trước đây sẽ tạo ra cơ chế thu – nộp thuận tiện hơn, giúp cho người có nghĩa vụ liên quan đến loại thuế này thực hiện các thủ tục nhanh chóng, đồng nghĩa với việc chi phí quản lý thuế sẽ giảm. Đó cũng là những bước đi, cho thấy quyết tâm cải cách hành chính của nhà nước ta đang tập trung vào những khía cạnh gai góc nhất của một lĩnh vực nhạy cảm: đó là thuế khóa, tiền tệ và nền tài chính quốc gia.

1. Một số quy định mới về thuế giá trị gia tăng

Đây là những quy định đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực trạng kinh tế và thu nhập của mọi người trong xã hội:

Thứ nhất, liên quan đến thu nhập chịu thuế. Điểm nổi bật liên quan đến thu nhập chịu thuế là quy định Thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không thuộc thu nhập chịu thuế. Cá nhân kinh doanh nộp thuế TNCN theo tỷ lệ trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh và quy định cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không thuộc đối tượng nộp thuế TNCN. Thêm vào đó, thuế suất từng ngành nghề, lĩnh vực được khoán cụ thể là:

a) Phân phối, cung cấp hàng hóa: 0,5%.

b) Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 2%. Riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, bán hàng đa cấp: 5%

c) Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,5%.

d) Hoạt động kinh doanh khác: 1%.

Quy định này rõ ràng đã tạo thuận lợi cho người nghĩa vụ khi kê khai và nộp thuế. Việc đưa trường hợp cá nhân có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không thuộc thu nhập chịu thuế là một quy định rất chính xác: giả sử, lấy 100 triệu đồng/12 tháng=8,3 triệu đồng/tháng, thì rõ ràng, sau khi đã trừ đi các chi phí phục vụ hoạt động kinh doanh, thu nhập còn lại của cá nhân là rất thấp. Nguyên tắc trong xác định nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân là thu nhập phải là “có thể chịu thuế”, tức cao hơn mức thu nhập bình quân của mọi người trong xã hội (theo lý thuyết phổ biến về ngưỡng thu nhập chịu thuế và mức khởi điểm chịu thuế) thì mới có đủ cơ sở để tính thuế. Liên quan đến thu nhập từ casino, sau khi có đề xuất của Tổng cục Thuế, xuất phát từ thực tế việc đánh thuế thu nhập cá nhân lên người chơi tại các casino gặp khó khăn khi không xác định được mức thu nhập trúng thưởng của người chơi. Cụ thể, việc trúng thưởng từng ván chơi như thế nào, giá trị bao nhiêu đều không thể tính toán được một cách chính xác. Do đó, để phản ánh đúng bản chất của thuế thu nhập, khi không xác định được chính xác căn cứ tính thuế, thì cần thiết phải sửa quy định trúng thưởng trong các hình thức cá cược, casino thành “trúng thưởng trong các hình thức cá cược”. Sự sửa đổi này là điều hợp lý khi quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, liên quan đến thu nhập miễn thuế:  Bổ sung thêm trường hợp được miễn, đó là: Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam nhận được do làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế.

Thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu có được từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác thủy sản xa bờ. Quy định này tạo ra sự công bằng, hợp lý hơn khi xác định đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân, vì khi các quy định pháp luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành quy định miễn thuế đối với thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thì đối với các chủ tàu trực tiếp khai thác thủy sản xa bờ, cần phải miễn thuế TNCN. Quy định trên cũng là một sự khuyến khích của Nhà nước đối với ngành này. Đối với cá nhân là thuyền viên làm việc cho hãng tàu nước ngoài, cùng mức lương được chủ tàu trả thì thu nhập thực nhận của thuyền viên người Việt Nam thường thấp hơn so với thuyền viên nước ngoài do chịu thuế thu nhập cá nhân hoặc do chủ tàu phải trả thuế thu nhập cá nhân cho thuyền viên Việt Nam. Trong khi nhiều nước có quy định không thu thuế thu nhập cá nhân hoặc thu thấp hơn đối với thu nhập của thuyền viên thì dễ hiểu là,  các chủ tàu không thích tuyển dụng thuyền viên là người Việt Nam. Như vậy, muốn góp phần phát triển dịch vụ xuất khẩu, lao động, đảm bảo sự công bằng với người lao động là thuyền viên làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải trên các tuyến quốc tế thì phải miễn thuế thu nhập cá nhân cho các thuyền viên Việt Nam. Đồng thời, để khuyến khích chủ tàu là cá nhân cung cấp các dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản đảm bảo các điều kiện cần thiết cho ngư dân bám biển góp phần đảm bảo an ninh trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo, quy định  thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu có được từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác thủy sản xa bờ được miễn thuế là rất cần thiết, nhất là trong tình hình địa – chính trị của khu vực và thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.

Sự minh bạch về chính sách, giảm vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật và tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính cũng thể hiện rõ trong các quy định về thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân và thuế đối với chuyển nhượng về bất động sản của cá nhân. Riêng đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, Luật thuế thu nhập cá nhân quy định 2 phương pháp thu thuế theo thuế suất 20% trên thu nhập năm (giá bán - giá mua và các chi phí liên quan), nếu không xác định được giá vốn, các chi phí liên quan và có chứng từ chứng minh thì nộp thuế 0,1% trên giá bán từng lần. Trường hợp cá nhân áp dụng kỳ tính thuế theo năm thì mỗi lần chuyển nhượng cá nhân tạm nộp thuế thu nhập cá nhân 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần, cuối năm quyết toán được trừ số thuế đã tạm nộp trong năm.

Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tiễn, việc xác định các khoản chi phí hợp lý có liên quan gây nhiều khó khăn cho người nộp thuế. Do vậy, khi quy định lại thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán được xác định là giá chuyển nhượng từng lần với thuế suất là 0,1% thì điều này tạo ra thuận lợi hơn rất nhiều so với cách xác định trước kia cho người nộp thuế và phía cơ quan quản lý thuế. Sự thuận lợi này cũng sẽ là một điểm cộng cho quá trình phát triển thị trường chứng khoán đang có những khó khăn hiện nay.

Tầm quan trọng của chính sách và các quy định pháp luật là không thể phủ nhận. Nếu có một chính sách thuế phù hợp với sự phát triển kinh tế của quốc gia và thu nhập của mọi người trong xã hội thì chắc chắn, hiệu quả của thuế đã đạt được, mà kết quả lớn nhất chính sự cân đối thu chi của ngân sách nhà nước, sự tăng trưởng nguồn thu của “hầu bao quốc gia”. Những kết quả tốt đẹp đó cũng đồng nghĩa với sự phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, mặc dù đã có những sự đổi mới mạnh mẽ, vẫn còn một số hạn chế cần phải tháo gỡ về chính sách quản lý thuế, đó là:

Thứ nhất: Khó khăn nhất hiện nay chính là : làm thế nào để kiểm soát được thu nhập của người dân, nhất là các khoản thu nhập của những người có thu nhập cao, nhưng do đặc thù nghề nghiệp nên tính tự do rất lớn như: Thu nhập của nghệ sĩ; Thu nhập của các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh; thu nhập từ kinh doanh bất động sản... Đây là những khoản thu nhập nằm ngoài ít có các chứng từ kế toán thể hiện nguồn thu, dẫn đến sự không công bằng trong kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân giữa các đối tượng trong xã hội. Hiệu quả điều tiết thu nhập, phân phối thu nhập giảm, hiệu quả quản lý thuế giảm.

 Thứ hai: Luật thuế thu nhập cá nhân luôn đi “theo đuôi” với các Luật thuế khác vì: Các quy định pháp luật chưa bám sát thực tế đời sống khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn diễn ra, tỷ lệ lạm phát cao

Thứ ba: Các quy định của luật thuế thu nhập cá nhân còn chồng chéo về đối tượng tác động, hiệu lực thi hành, có quá nhiều văn bản không có sự ổn định; tình trạng sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định pháp luật và các văn bản pháp luật diễn ra rất thường xuyên, gây ra khó khăn rất lớn cho những người áp dụng pháp luật thuế thu nhập cá nhân và người thi hành pháp luật thuế thu nhập cá nhân

Thứ tư: Hệ thống các cơ quan tư vấn và hỗ trợ về thuế thu nhập cá nhân cho người dân còn ít về số lượng, nghèo về chất lượng trong khi các quốc gia phát triển khác, ví dụ như Nhật Bản, có một hệ thống tư vấn viên rất đồ sộ, có thể giúp đỡ cho người dân hiểu về loại thuế này rất nhanh chóng.

      Như vậy, muốn các quy định pháp luật thuế thu nhập cá nhân có tính ổn định, tạo ra cơ chế điều tiết và phân phối thu nhập hợp lý, giảm thiểu những hiện tượng gian lận thuế, tăng hiệu quả quả quản lý thuế, tác giả xin đề cập một số giải pháp hoàn thiện. Đây là nhóm các giải pháp nhằm tạo ra cơ chế quản lý thuế đơn giản, thuận tiện hơn nữa, giúp cho việc thu thuế đảm bảo được nguyên tắc công bằng, tăng tính minh bạch, giúp cho cơ quan thuế quản lý đơn giản và giúp cho người dân thực hiện nghĩa vụ thuế dễ dàng.

2. Những giải pháp hoàn thiện

Giải pháp thứ nhất: Các quy định pháp luật nên cụ thể hóa hơn nữa về vấn đề đưa công nghệ thông tin vào quy trình quản lý các loại thuế, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân. Việc tăng cường sử dụng tin học để đơn giản hóa các công việc liên quan đến thực hiện nghĩa vụ của người nộp thuế là việc làm cần thiết để tiết kiệm thời gian, công sức của người nộp thuế. Việc lưu giữ thông tin cá nhân, tạo ra một mạng lưới các thông tin liên quan và khả năng kết nối các thông tin này nhờ công nghệ thông tin giống như mô hình một số quốc gia phát triển sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý thuế khi thi hành pháp luật quản lý thuế. Nếu giảm bớt chi phí quản lý thuế được một phần thì cũng đồng nghĩa với việc nguồn thu ngân sách tăng lên gấp đôi.

Giải pháp thứ hai: Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các khoản thu nhập không được phản ánh trên các sổ sách, chứng từ kế toán của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, mở rộng diện khoán thuế thu nhập cá nhân để nâng cao hiệu quả quản lý đối với những cá nhân có thu nhập cao nhưng khó kiểm soát đầu vào, đầu ra.

 Giải pháp thứ ba: Để thuận tiện cho việc kê khai, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế… được thuận lợi thì bản thân các quy định phải chuẩn mực hơn nữa. Sự chuẩn mực khởi nguồn từ kỹ thuật lập pháp, thể hiện ở chỗ: ngôn từ dễ hiểu, dễ nắm bắt, từ đó mới dễ thực hiện. Thực hiện công tác rà soát văn bản thường xuyên để bãi bỏ những văn bản lạc hậu, sửa đổi, bổ sung những quy định sát với thực tế và ban hành mới những quy định phù hợp hơn với nội tại nền kinh tế quốc gia, thu nhập bình quân đầu người là việc làm rất cần thiết.

Giải pháp thứ tư: Cần xây dựng hệ thống hỗ trợ tư vấn thuế miễn phí qua điện thoại, truyền hình để người dân  dễ tiếp cận các thông tin cơ bản nhất, qua đó giúp dần dần hình thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật thuế; Cần liên kết doanh nghiệp tư vấn thành một mạng lưới dày đặc và hoạt động hiệu quả hơn nữa. Để hình thành các loại doanh nghiệp tư vấn thuế, cần gỡ bỏ những điều kiện chặt chẽ hiện nay, giúp cho loại hình doanh nghiệp này có môi trường thông thoáng để phát triển.  Hơn thế, phải tăng cường công tác tuyên truyền Luật thuế thu nhập cá nhân trên các phương tiện truyền thông để mọi người trong xã hội hiểu rõ được ý nghĩa, vai trò của hệ thống thuế nói chung, thuế thu nhập cá nhân nói riêng đối với sự phát triển của xã hội, rằng nộp thuế hôm nay tức là phát triển và phúc lợi cho cả hôm nay và cho cả tương lai.

 

Tin khác

Số người truy cập: 26923352

Trường đại học lao động xã hội

43 Trần Duy Hưng - Trung Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội - ĐT :043.5564584 - Fax:043.5564584 In trang này

Giấy phép thiết lập Website trên Internet số 348/GP-BC ngày 23/11/2006 của Cục Báo Chí - Bộ Văn Hóa - Thông Tin.