Đổi mới quy định pháp luật thuế giá trị gia tăng và giải pháp hoàn thiện - ThS. Phạm Kim Thoa - Bộ môn Luật
Thuế giá trị gia tăng là một trong những loại thuế quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật thuế của nước ta. Vì đây là loại thuế có đối tượng chịu thuế rất rộng, bao quát hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, lưu thông và tiêu dùng phổ biến trong xã hội nên những quy định luật pháp liên quan đến loại thuế này, khi sửa đổi, bao giờ cũng thu hút sự chú ý lớn.
Trong Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế do Bộ Tài chính soạn thảo đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội vào ngày 3/11/2014, có 5 mục tiêu khi sửa đổi, bổ sung các luật thuế, trong đó có luật thuế giá trị gia tăng là: (i) Hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung khai thác và tận dụng lợi thế của nền nông nghiệp; (ii) Phù hợp với xu hướng phát triển hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết quốc tế; (iii) Tiếp tục đảm bảo thủ tục đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế; (iv) Đảm bảo tính nhất quán của chính sách, theo đó tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; (v) Động viên hợp lý để phát triển nguồn thu NSNN, đồng thời tăng cường công tác quản lý thuế, thực hiện có hiệu quả những sửa đổi, bổ sung của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và chính sách thu điều tiết đối với tài nguyên khoáng sản... để đảm bảo nguồn thu cân đối ngân sách.
Với những mục tiêu lớn như vậy, liên quan đến thuế giá trị gia tăng, bên cạnh các quy định được sửa đổi, bổ sung được ban hành trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế 2014, vừa qua, Bộ Tài chính cũng ban hành văn bản hợp nhất để thống nhất các nghị định hiện hành quy định về thuế giá trị gia tăng thành một quy định duy nhất, đó là nghị định số 13/VBHN-BTC quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật thuế giá trị gia tăng. Những quy định mới nhất của pháp luật thuế giá trị gia tăng đã đáp ứng được tương đối những yêu cầu sửa đổi mà bộ trưởng Bộ Tài chính đã cho biết trước đó.
1. Những quy định pháp luật mới về thuế giá trị gia tăng
Thứ nhất, đã thu hẹp đối tượng nộp thuế với quy định về trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống không chịu thuế giá trị gia tăng. Như vậy, những đối tượng không đảm bảo yêu cầu này vẫn phải nộp thuế giá trị gia tăng với các mức thuế khoán trên doanh thu hoặc phải thực hiện nghiêm túc các quy định về hóa đơn, chứng từ để kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.
Thứ hai, có những quy định khuyến khích nông nghiệp phát triển, cũng như đảm bảo về quy trình hội nhập theo thông lệ quốc tế. Điển hình là quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho phục vụ sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác. Trước đây, khi để nhóm sản phẩm, hàng hóa trên vào danh mục thuế suất 5%, đó là một sự kìm hãm sản xuất nông nghiệp trong nước vì thuế cao làm giá thành sản xuất tăng cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước. Vốn dĩ, người sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn ở khâu đầu ra cho sản phẩm, cộng thêm với giá cao, khiến cho người nông dân cũng như các nhà sản xuất rất khó để tìm được đường đi xuất khẩu. Nhiều nước trên thế giới có quy định các sản phẩm thiết yếu cho ngành sản xuất nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi, phân bón, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Nhiều nước áp dụng chính sách thuế GTGT ưu đãi đối với nhóm các mặt hàng thiết yếu này. Vì vậy, đề tháo gỡ khó khăn, giảm giá thức ăn chăn nuôi qua đó thúc đẩy sự phát triển ngành chăn nuôi, đặc biệt trong yêu cầu hội nhập quốc tế lớn hiện nay, việc đưa về nhóm đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng là một sự khuyến khích vô cùng có ý nghĩa của Nhà nước đối với lĩnh vực này.
Thứ ba, về thuế suất, cốt lõi trung tâm của các luật thuế, đây là quy định rất quan trọng. Đặc biệt nhất là thuế suất 0%, vì chủ thể hưởng loại thuế suất này không những chỉ nộp 0 đồng vào ngân sách nhà nước mà còn được khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào. Tuy nhiên, nếu cứ có hoạt động xuất khẩu mà chủ thể lại được hưởng thuế suất 0% thì chưa hợp lý, vì vậy các quy định không cho phép chủ thể được hưởng thuế suất 0% như: chuyển giao công nghệ, chuyển quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài, dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài, dịch vụ cấp tín dụng ra nước ngoài…(điểm đ, khoản1, điều 6, Nghị định 13/VBHN-BTC của Bộ Tài chính, ban hành ngày 26/5/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật thuế giá trị gia tăng)
Thứ tư, quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đã bổ sung trường hợp đặc biệt, ví dụ như: “Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế giá trị gia tăng khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sát nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết.
Cơ sở kinh doanh trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phải giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động chưa phát sinh thuế giá trị gia tăng đầu ra của hoạt động kinh doanh chính theo dự án đầu tư thì chưa phải điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đã kê khai, khấu trừ hoặc đã được hoàn. Việc kê khai, tính nộp thuế trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư, bán tài sản của dự án đầu tư hoặc chuyển đổi mục đích sản xuất, kinh doanh của dự án đầu tư thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính”
Mặc dù có những sửa đổi quan trọng như vậy, tuy nhiên, theo tác giả bài viết, để thực hiện đúng yêu cầu sửa đổi, cải cách thuế, đáp ứng những mục tiêu cho giai đoạn 2011-2-15 vào 2016 – 2020, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp để tăng hiệu quả quản lý thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, còn có một số vấn đề mà các quy định của pháp luật thuế giá trị gia tăng hiện hành chưa rõ, chưa phù hợp với thực tiễn.
Thứ nhất, quy định về dịch vụ xuất khẩu. Quy định tại khoản 1, điều 8, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế giá trị gia tăng năm 2013 chỉ định nghĩa “hàng hóa, dịch xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ”. Như vậy, “ngoài Việt Nam” là ở những đâu?; “khách hàng nước ngoài” là những người như thế nào? Nếu “khách hàng nước ngoài” đang làm ăn, sinh sống, phát sinh thu nhập tại Việt Nam thì có được coi là đối tượng mà hoạt động xuất khẩu hướng đến không? Rõ ràng, điểm đến của dịch vụ và tính chất của đối tượng tiếp nhận là những điểm rất cần làm rõ khi xác định về hoạt động xuất khẩu, nhưng các quy định của pháp luật thuế giá trị gia tăng hiện hành chưa làm rõ. Điều này gây ra sự giải thích không thống nhất giữa các cơ quan có thẩm quyền áp dụng pháp luật thuế và gây ra sự khó khăn trong việc tuân thủ đúng pháp luật của người có nghĩa vụ liên quan đến loại thuế này.
Thứ hai, Luật hiện nay chưa quy định hợp lý về nhóm hàng xuất khẩu bị trả về. Trường hợp doanh nghiệp chủ động nhập hàng về để tránh rủi ro về thanh toán, về các lỗi kỹ thuật được phát hiện sau khi đã xuất hàng đi thì có thể thấy, bản chất chính là hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu, nhưng vì hiện nay chưa được xếp chính thức vào nhóm hàng này nên thiệt hại đối với loại hình doanh nghiệp này là rất lớn, vì chi phí vận chuyển hàng 2 chiều, tiền đọng vốn, cộng thêm với thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng mà doanh nghiệp phải nộp ngay khi về tới Việt Nam, nếu không tái xuất lại được thì rõ ràng, thiệt hại là khó tính toán được.
Thứ ba, trong cơ cấu các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ tương đối lớn. Những doanh nghiệp kiểu này chịu ảnh hưởng rất lớn của biến động thị trường, tỷ giá, lãi suất, đặc biệt là các quy định pháp luật. Pháp luật thuế giá trị gia tăng có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống pháp luật thuế, có tỷ lệ thu lớn trong cơ cấu của ngành thuế, vì tầm “phủ sóng” rất rộng, bao quát hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng, sử dụng, lưu thông phổ biến trong đời sống, nên có vai trò không nhỏ trong việc kích thích hoặc hạn chế tiêu dùng. Rõ ràng, thuế suất cao thì đẩy giá hàng tăng lên, hạn chế khả năng tiêu dùng. Dường như, mức thuế suất 10% hiện nay vẫn là khá cao.
2. Một số giải pháp hoàn thiện khung pháp luật về thuế giá trị gia tăng
Thứ nhất, cần mở rộng hơn nữa đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, bằng cách mở rộng đối tượng chịu thuế đồng thời hạ thuế suất thuế gia tăng xuống mức độ thấp hơn. Hiện nay, mức thuế suất cao nhất của thuế giá trị gia tăng là 10%, nếu so với các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, nhập khẩu thì rõ ràng, tỷ lệ trên là khá thấp, tuy nhiên, để tăng hiệu quả kích cầu cho nền kinh tế, giảm bớt khó khăn của tình hình chung hiện nay, con số 5% hay 10% nên hạ dần, thấp hơn nữa và tiến đến một mức thuế suất đối với hàng hóa trong nước để dễ dàng hơn trong áp dụng pháp luật thuế và thi hành pháp luật thuế, đồng thời điều này cũng sẽ khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa, tránh trốn thuế, gian lận thuế
Thứ hai, cần quy hoạch lại những trường hợp không chịu thuế giá trị gia tăng, bổ sung những trường hợp cần thiết. Nếu nhìn từ góc độ các doanh nghiệp có mục tiêu nâng cao lợi nhuận và mong muốn thuế giá trị gia tăng có vai trò hơn nữa trong việc kích cầu, thì sự thu hẹp 25 nhóm đối tượng hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng xuống sẽ đem lại một quyền khấu trừ và hoàn thuế đầu vào tốt hơn, giúp họ phân bổ số thuế đầu vào được khấu trừ được thuận lợi hơn, nhưng nếu nhìn rộng ra, ngoài doanh nghiệp thì còn có các tổ chức, cá nhân khác tham gia vào nền kinh tế, nên việc được “chiếu cố” vẫn là điều cần thiết.
Thứ ba, cần đẩy mạnh hoạt động sử dụng dịch vụ thuế điện tử, đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet. Đây là một trong những yếu tố rất cơ bản để tăng hiệu quả quản lý thuế giá trị gia tăng, khi liên quan đến phần lớn các nhóm hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng, sử dụng thường xuyên trong xã hội – nếu không đơn giản hóa, thuận tiện về thủ tục và quy trình thu, nộp thuế, chắc chắn hiện tượng làm trái các quy định pháp luật thuế xảy ra sẽ thường xuyên hơn. Việc sử dụng công cụ điện tử trong quản lý thu, nộp thuế sẽ phần nào quyết định thắng lợi của công cuộc quản lý thuế trong tương lai, khi sử dụng mạng là hành vi quen thuộc của mọi người trong xã hội.
Thứ tư, cần hoàn thiện các quy định về hóa đơn, chứng từ, kiểm soát chặt chẽ hóa đơn, chứng từ để làm cơ sở cho phương pháp khấu trừ thuế, hạn chế thiểu số những người nộp thuế được áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng để xác định số thuế phải nộp chính xác hơn.
Thứ năm, cần áp dụng hình thức ngưỡng doanh thu để áp dụng hình thức kê khai thuế giá trị gia tăng, trong đó có cân đối với cơ chế thị trường dưới sự quản lý của nhà nước, tuân thủ luật pháp và thông lệ quốc tế