Hội thảo đề tài khoa học cấp Nhà nước “NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH THU HÚT NGUỒN NHÂN LỰC CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, ĐẾN NĂM 2030”
Sáng ngày 10 tháng 1 năm 2017, tại phòng họp A, Trường Đại học Lao động – Xã hội đã tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu chính sách thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, đến năm 2030”.
Hội thảo là hoạt động thuộc đề tài: “Nghiên cứu chính sách thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, đến năm 2030”(CTDT.20-17/16-20), do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trường Đại học Lao động – Xã hội là cơ quan chủ trì và TS. Nguyễn Thị Giáng Hương làm Chủ nhiệm Đề tài.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều nhà quản lí và nhiều chuyên gia về hoạch định chính sách của các cơ quan, bộ ngành, các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước.
Đến dự hội thảo, về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có TS. Phạn Văn Hùng - Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; TS. Nguyễn Đắc Hưng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương; các lãnh đạo, chuyên gia của Vụ Tổng hợp, Vụ Chính sách Dân tộc, Văn phòng Chương trình (Ủy ban Dân tộc), Vụ Khoa học TN&XH; Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Viện Khoa học Thống kê, Viện dân tộc học,…
Về phía Nhà Trường có PGS.TS. Lê Thanh Hà – Phó Hiệu trưởng; TS. Bùi Tôn Hiến – Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Thị Giáng Hương – Chủ nhiệm Đề tài; lãnh đạo các phòng, khoa, cùng các thành viên đề tài cũng tham dự đông đủ
TS. Bùi Tôn Hiến – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Bùi Tôn Hiến – Phó Hiệu trưởng Nhà trường điểm lại những thành tích mà Nhà trường đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu chính sách thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế nói chung trong thời gian qua. Theo đó, Trường Đại học Lao động – Xã hội được đánh giá là cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín, đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế - xã hội của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai thành công các đề tài các cấp; tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm về chính sách trong nước và quốc tế. Kết quả nghiên cứu của các đề tài do Trường thực hiện đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách, góp phần cung cấp những luận cứ có giá trị cho quá trình hoạch định và đánh giá chính sách thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam.
Với mong muốn tiếp thu được nhiều nhất các nghiên cứu, phát hiện mới quý giá của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan đến Đề tài, Hội thảo tập trung vào một số vấn đề sau:
- Lý thuyết về thu hút và chính sách thu hút nguồn nhân lực trên thế giới và Việt Nam.
- Lý thuyết và phương pháp dự báo nhu cầu nguồn nhân lực.
- Các phương pháp điều tra nghiên cứu định tính và định lượng về nguồn nhân lực vùng thiểu số.
- Khung phân tích nguồn nhân lực và chính sách thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng thiểu số ở nước ta.
- Hệ thống các tiêu chí và phương pháp đánh giá chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.
- Hệ thống các tiêu chí, phương pháp đánh giá kết quả và hiệu quả của chính sách thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay.
- Hệ thống các tiêu chí, phương pháp đánh giá tác động của chính sách thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay.
- Quan điểm, đường lối của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước (hiến pháp, pháp luật) liên quan đến nguồn nhân lực, thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số từ năm 1986 đến nay.
- Nội dung và phân loại chính sách thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số từ năm 1986 đến nay.
- Nhân tố ảnh hưởng và phương pháp phân tích nhân tố ảnh hưởng đến chính sách thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay.
- Chính sách thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khan của một số nước trên thế giới (Trung Quốc, Thái Lan, Canada, Úc) và bài học kinh nghiệm có thể áp dụng cho Việt Nam.
Hội thảo đã chia sẻ, trao đổi, lĩnh hội những kinh nghiệm, kiến thức quý báu về thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số thời gian qua và tương lai sắp tới. Các thông tin, mô hình, cách thức thực hiện thu hút nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số rất ý nghĩa cho đội ngũ các giảng viên chuyên môn, các cán bộ đang làm việc trong lĩnh vực hoạch định chính sách xã hội, từng bước tham gia đồng hành với nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề xã hội hiện nay của Việt Nam, góp phần ổn định đời sống xã hội Việt Nam, thúc đẩy quá trình hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới của Việt Nam./.