Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Lao động – Xã hội lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 - 2025

Đào tạo-Quy định đào tạo

Bộ môn Luật với công tác chuẩn bị chuyển đổi các môn học phù hợp với hệ thống tín chỉ
(21/03/2012)

Trong những năm gần đây, giáo dục đại học nước ta

           Trong những năm gần đây, giáo dục đại học nước ta đã gặp nhiều khó khăn. Đó là sự gia tăng về số lượng người học, sự đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với sản phẩm giáo dục đại học. Điều này đòi hỏi nhà nước cần có lời giải cho bài toán số lượng và chất lượng giáo dục đại học. Việc chuyển đổi quy trình đào tạo từ niên chế sang tín chỉ là một lời giải cho bài toán đó.

1. Khái quát chung về đào tạo theo học chế tín chỉ

Đào tạo theo học chế tín chỉ là một trong những bước đi quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục đại học Việt Nam. Thời gian qua, nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản khẳng định chủ trương này như: Luật Giáo dục năm 2005 (Điều 6);  Quyết định số 73/2005/QĐ-TTg ngày 06/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Chính phủ số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005; Quyết định số 31/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 30/7/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Ưu điểm của đào tạo theo học chế tín chỉ:

Đối với nhà nước: Học chế tín chỉ đã là thông lệ của thế giới, nước ta không thể hội nhập thế giới về đào tạo nếu không triển khai tổ chức theo học chế này. Việc đào tạo theo học chế tín chỉ tăng cường khả năng tương thông giữa các trường đại học trong cả nước, là điều kiện để sử dụng cơ sở vật chất tối đa, khai thác chất xám của giảng viên, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc cho quốc gia.

Đối với nhà trường: Đây là biện pháp quan trọng để hiện đại hoá các hoạt động đào tạo. Nó giúp nhà trường quản lý đào tạo mềm dẻo nhưng thực chất và không kém phần chặt chẽ, chính xác. Đồng thời, nó góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng trường đại học. Việc triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ kết hợp với chế độ kiểm định đánh giá chất lượng trường đại học thường xuyên sẽ từng bước nâng cao chất lượng trường đại học.

Đối với người dạy: Có thể nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và tính năng động cho đội ngũ giảng viên, có điều kiện để sàng lọc đội ngũ giảng viên. Giảng viên có thời gian để nghiên cứu, học tập và trao đổi học thuật trong và ngoài nước.

Đối với người học: Đào tạo theo học chế tín chỉ xem người học là trung tâm của quá trình đào tạo, phát huy cao độ tính chủ động của sinh viên. Đồng thời, tạo ra sự phù hợp cao nhất giữa năng lực học tập, tài chính cũng các điều kiện khác của sinh viên với tiến độ và cường độ học tập.

Những lợi ích trên không thể thấy được trong một sớm một chiều và chưa thể đo ngay bằng tiền bạc. Có thể trước mắt chỉ thấy nhiều khó khăn và phức tạp cho quản lý điều hành của mỗi nhà trường.

Những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ:

Thuận lợi: Đến nay, kinh nghiệm của thế giới về đào tạo theo hệ thống tín chỉ rất phong phú, nhiều quốc gia đã triển khai đào tạo đại học theo tín chỉ. Trong nước, một số trường đại học đã áp dụng, trường chúng ta có thể tham khảo học tập, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, một số cán bộ, giáo viên của nhà trường đã thụ hưởng chương trình giáo dục đại học và sau đại học theo học chế tín chỉ ở nước ngoài. Đồng thời, tin học và khoa học quản lý hiện đại sẽ có sự hỗ trợ to lớn cho việc quản lý đào tạo.

Khó khăn: Nhà trường, giáo viên và cán bộ quản lý đã quen với đào tạo theo niên chế nên đổi mới tư duy, thói quen về đào tạo không hề dễ dàng, không phải tất cả đều hăng hái thay đổi. Đi cùng học chế mới là phương pháp giảng dạy phải thay đổi, kiểm tra đánh giá thay đổi, tỷ lệ lý thuyết thực hành điều chỉnh, chương trình đào tạo thay đổi, giảng viên chịu sự chọn lựa đánh giá của sinh viên. Cán bộ quản lý đào tạo chưa quen tổ chức quản lý theo hình thức mới, khả năng vận dụng khoa học quản lý hiện đại và trang thiết bị phục vụ quản lý đào tạo còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp. Cơ sở vật chất, giảng đường, thư viện thiết bị chưa thể thoả mãn nhu cầu.

2. Công tác chuẩn bị chuyển đổi các môn học phù hợp với hệ thống tín chỉ của Bộ môn Luật

Trên cơ sở nhận thức được việc chuyển đổi sang hệ thống tín chỉ là tất yếu, là quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được sự động viên của lãnh đạo nhà trường, bộ môn Luật chủ động đã bắt tay vào chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi với các hoạt động cụ thể sau:

Về đội ngũ giáo viên: Bộ môn Luật đã tiến hành các công việc sau:

- Trang bị cho giáo viên bộ môn hiểu biết về đào tạo tín chỉ: Để được đội ngũ giáo viên ủng hộ, trước hết họ phải hiểu được bản chất của quy trình đào tạo tín chỉ và cách thực hiện. Do đó, lãnh đạo bộ môn đã dùng nhiều biện pháp để giáo viên tiếp cận vấn đề này, như: Yêu cầu mỗi giáo viên tự nghiên cứu các văn bản liên quan đến đào tạo tín chỉ, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia vào các lớp tập huấn về đào tạo theo tín chỉ ở trong và ngoài trường, sưu tầm một số đề cương môn học của một số trường đã đào tạo theo tín chỉ cho giáo viên tham khảo…

- Đăng ký mở lớp tập huấn cho giáo viên: Được sự quan tâm và ủng hộ của lãnh đạo nhà trường, lớp tập huấn kỹ năng chuyển đổi các môn học phù hợp với hệ thống tín chỉ cho giáo viên của bộ môn đã được tổ chức vào tháng 12/2010. Lớp học trang bị cho các giáo viên của bộ môn kiến thức về đào tạo tín chỉ, kỹ năng xây dựng đề cương môn học, cách triển khai giảng dạy và đánh giá, cách giải quyết tình huống phát sinh… trong đào tạo tín chỉ. Giáo viên giảng của lớp học là người đã có nhiều năm nghiên cứu và cũng đã có kinh nghiệm thực tiễn dày dặn trong việc tổ chức đào tạo theo tín chỉ. Vì vậy, đây là lớp học hết sức hữu ích cho giáo viên của bộ môn. Lớp học còn thu hút sự tham gia của nhiều giáo viên thuộc các đơn vị khác trong trường (khoa Quản lý lao động, khoa Lý luận chính trị, bộ môn Toán).

- Tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ: Một khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, rào cản lớn nhất để chuyển đổi đào tạo niên chế sang tín chỉ là đội ngũ cán bộ giảng dạy ở nhiều trường còn quá thiếu và yếu. Ngay chính các trường đại học đã có “thương hiệu”, có bề dày lịch sử hiện vẫn còn “đau đầu” với việc xây dựng đội ngũ có trình độ thì với các trường đại học còn non trẻ như trường ta, chuẩn về đội ngũ giáo viên vẫn là tiến trình phấn đấu lâu dài. Bởi vậy, lãnh đạo bộ môn thường xuyên động viên giáo viên học tập, tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao trình độ, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Đến nay, bộ môn đã có 11 thạc sỹ (trong đó 5 người đang làm nghiên cứu sinh), 2 người chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sỹ.

Về giáo trình, bài giảng và tài liệu tham khảo:

Đào tạo theo tín chỉ đòi hỏi sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu vì thời gian trên lớp giáo viên chỉ giới thiệu phương pháp nghiên cứu và vấn đề cốt lõi, cơ bản. Điều đó đòi hỏi phải có hệ thống giáo trình, bài giảng và tài liệu tham khảo. Công việc biên soạn không thể thực hiện trong thời gian ngắn, mà nó là cả quá trình. Không thể chờ sau khi nhà trường chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ thì các bộ môn mới biên soạn giáo trình. Mặt khác, ngay cả khi đào tạo theo niên chế thì tài liệu học tập luôn được coi trọng. Do đó, trong nhiều năm qua, bộ môn đã và hoàn thiện dần hệ thống bài giảng, giáo trình và tài liệu tham khảo của các môn học. Đến nay, bộ môn đã biên soạn giáo trình, bài giảng cho tất cả các môn học (6 bộ giáo trình, bài giảng). Bên cạnh đó, bộ môn còn biên soạn nhiều loại tài liệu tham khảo làm công cụ hỗ trợ cho sinh viên tự học như: Bộ bài tập, Bộ mô hình…

Về phương pháp dạy học: Bộ môn đã triển khai các hoạt động sau:

- Tổ chức hội thảo về phương pháp giảng dạy: Hoạt động chuyên môn này được triển khai theo từng môn học. Trong đó, coi trọng việc áp dụng những phương pháp nâng cao tính tự học, tự nghiên cứu của sinh viên như thảo luận, viết chuyên đề, sưu tầm tài liệu thực tế, tìm hiểu thực trạng, giải quyết tình huống… Những phương pháp này thường xuyên được áp dụng cho các môn học của bộ môn, nhất là các môn luật chuyên ngành.

- Tổ chức hội giảng cấp bộ môn: Hội giảng được tổ chức vào tháng 3/2011 và đã thu hút được nhiều giáo viên của bộ môn tham gia. Qua đó, giáo viên có thể học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm giảng dạy. Đây là hoạt động nhằm thiết thực chào mừng 50 ngày truyền thống của trường.

Về kiểm tra và đánh giá:

- Tổ chức hội thảo thống nhất áp dụng Quy chế 25: Sau khi Quy chế 25 được ban hành, để triển khai áp dụng, lãnh đạo nhà trường đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho giáo viên về quy chế. Qua đó, lãnh đạo bộ môn nhận thức được đây là quy chế kết hợp mềm dẻo giữa học chế niên chế với tín chỉ, là bước đệm tiến tới đào tạo tín chỉ. Vì vậy, bộ môn đã tổ chức hội thảo về quy chế nhằm giúp giáo viên hiểu đúng và đầy đủ quy chế, trên cơ sở đó ban hành quy định hướng dẫn giáo viên thực hiện Điều 10 quy chế về đánh giá học phần.

- Hoàn thiện ngân hàng đề thi: Kiểm tra, đánh giá là một khâu quan trọng của bất kỳ quy trình đào tạo nào. Trong học chế tín chỉ, sinh viên được khuyến khích và được hướng dẫn tự học, tự nghiên cứu và vận dụng kiến thức tiếp thu vào thực tiễn thì kiểm tra, đánh giá lại càng quan trọng. Để dần thích nghi với quy trình đào tạo theo tín chỉ, những năm gần đây, bộ môn Luật chú trọng xây dựng ngân hàng đề thi cho các môn. Nhằm kiểm tra, đánh giá kiến thức và kỹ năng của sinh viên, hầu hết các môn thi đều được bộ môn chọn hình thức thi viết được sử dụng tài liệu. Các loại câu hỏi trong mỗi đề thi được thiết kế phong phú: có câu hỏi kiểm tra kiến thức, có câu hỏi kiểm tra kỹ năng vận dụng luật để giải quyết tình huống, có câu hỏi liên hệ thực tế kiểm tra tính độc lập, tự nghiên cứu…

Quá trình chuẩn bị chuyển đổi sẽ còn được bộ môn tiếp tục thực hiện với nhiều hành động cụ thể, trong đó đáng lưu ý là bộ môn sẽ tổ chức cuộc thi tìm hiểu về luật lao động cho sinh viên vào tháng 5/2011. Cuộc thi nhằm đa dạng hóa các hình thức học tập cho sinh viên; củng cố, trau dồi kiến thức về luật lao động cho sinh viên; tăng cường giao lưu, trao đổi và hợp tác giữa giảng viên bộ môn Luật với sinh viên và đặc biệt là hoạt động hữu ích chào mừng 50 năm ngày truyền thống trường.

Trên đây là một số công việc đã được bộ môn Luật triển khai nhằm   chuẩn bị chuyển đổi các môn học phù hợp với hệ thống tín chỉ. Hy vọng rằng các hoạt động đó của bộ môn Luật không chỉ nhằm chuẩn bị chuyển đổi các môn học phù hợp với hệ thống tín chỉ mà còn góp phần nâng cao thương hiệu Nhà trường, phấn đấu đưa Trường Đại học Lao động - Xã hội vào tốp khá trong các trường đại học ở Thủ đô như mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XXIII Đảng bộ Trường.

ThS. Khuất Thị Thu Hiền - ThS. Nguyễn Thị Tuyết Vân

 


Số người truy cập: 30952205

Trường đại học lao động xã hội

43 Trần Duy Hưng - Trung Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội - ĐT :043.5564584 - Fax:043.5564584 In trang này

Giấy phép thiết lập Website trên Internet số 348/GP-BC ngày 23/11/2006 của Cục Báo Chí - Bộ Văn Hóa - Thông Tin.