Hội thảo khoa học: “Sự tương thích của pháp luật lao động Việt Nam với các Công ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập”
SỰ TƯƠNG THÍCH CỦA PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG VIỆT NAM VỚI CÁC CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ MÀ VIỆT NAM GIA NHẬP
Sáng 19/10/2020, khoa Luật, trường Đại học Lao động - Xã hội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Sự tương thích của pháp luật lao động Việt Nam với các Công ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập”.
Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có Luật sư Bùi Đình Ứng - trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư Long Biên; Luật sư Tạ Quốc Khánh - Trưởng văn phòng Luật sư IB; ThS. Đinh Văn Linh - giảng viên Học viện Ngân hàng.
Về phía trường Đại học Lao động - Xã hội, tham dự hội thảo có PGS.TS. Lê Thanh Hà - phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; lãnh đạo một số đơn vị trong trường cùng toàn thể giảng viên khoa Luật và đại diện sinh viên khoa Luật.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Lê Thanh Hà đã nêu rõ sự cần thiết rà soát pháp luật lao động Việt Nam để đánh giá sự tương thích với các Công ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập, từ đó tiếp tục nghiên cứu nội luật hóa các Công ước quốc tế vào pháp luật lao động Việt Nam.
Hội thảo đã nghe tham luận và thảo luận về sự tương thích của pháp luật lao động Việt Nam với các Công ước quốc tế của ILO mà Việt Nam gia nhập, bao gồm: Công ước số 29 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc (1930), Công ước số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể (1949), Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau (1951), Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức (1957), Công ước số 111 về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (1958), Công ước 138 về tuổi tối thiểu được đi làm việc (1973), Công ước 182 về cấm và hành động tức thời để loại bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (1999).
Hội thảo đã làm sáng tỏ những nội dung tương thích của pháp luật lao động Việt Nam với các tiêu chuẩn lao động trong Công ước quốc tế của ILO. Đồng thời, chỉ ra những nội dung chưa tương thích và đề xuất khuyến nghị hoàn thiện pháp luật lao động Việt Nam cho phù hợp hơn với các Công ước đó. Về cơ bản, các đại biểu tham dự Hội thảo đều đánh giá, với việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động vảo năm 2019, pháp luật lao động Việt Nam đã dần tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế trong các Công ước của ILO.
Một số hình ảnh buổi hội thảo