Lễ mít tinh kỷ nhiệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 33 năm Ngày truyền thống Có sở Sơn Tây
23/05/2017 11:01 AM
Ngày 19 tháng 5 năm 2017 tại Hội trường lớn – Cơ sở Sơn Tây thuộc Trường đại học Lao động – Xã hội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 33 năm ngày truyền thống của Cơ sở. Đến dự buổi lễ trọng thể này về phía khách mời có đồng chí Vũ Tuấn Dũng – Thành uỷ viên – Bí thư đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội; về phía nhà trường có PGS, TS Lê Thanh Hà – Phó bí thư Đảng uỷ - Phó hiệu trưởng Nhà trường và các đồng chí đại diện Đảng uỷ, Ban giám hiệu và trưởng các đơn vị giảng dạy trong Trường. Tại lễ kỷ niệm đồng chí Nguyễn Hải Thanh – Đảng uỷ viên – Giám đốc Cơ sở Sơn Tây đã có diễn văn chào mừng, Ban biên tập xin đăng nguyên văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Hải Thanh trong buổi Lễ này:
DIỄN VĂN
CỦA GIÁM ĐÔC CƠ SỞ SƠN TÂY - TRƯỜNG ĐẠI HỌC LAO ĐỘNG-XÃ HỘI
Tại lễ kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Và 33 năm ngày truyền thống của Cơ sở
Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý!
Thưa quý thầy giáo, cô giáo, cùng toàn thể các em học sinh – sinh viên thân mến!
Trong những ngày tháng năm lịch sử này, cùng với nhân dân cả nước thi đua lập thành tích chào mừng những ngày kỷ niệm lớn: 63 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, 42 năm Giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước, 127 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, kỷ niệm 56 năm ngày truyền thống Trường Đại học Lao động - Xã hội…
Tập thể CBVC, LĐ và học sinh-sinh viên Cơ sở Sơn tây thuộc Trường Đại học Lao động -Xã hội đã và đang thực hiện các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt và phục vụ tốt” nhằm hướng tới kỷ niệm 33 năm Ngày truyền thống của Cơ sở (19/5/1984 – 19/5/2017).
Trong thời khắc tràn đầy ý nghĩa này, cho phép tôi thay mặt lãnh đạo Cơ sở, xin gửi lới chào trân trọng và lời chúc mừng đến quý vị đại biểu, toàn thể CBVC, LĐ và các em học sinh sinh viên có mặt tại buổi lễ hôm nay.
Thưa các quý vị đại biểu, khách quý!
Để thực hiện lời căn dặn, đồng thời cũng là niềm mong muốn của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại "Thương binh tàn nhưng không phế ... ", nên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta kết thúc bằng đại thắng mùa xuân năm 1975. Năm 1977, Ban kiến thiết xưởng và Trường dạy nghề thương binh được thành lập tại xã Xuân Sơn - huyện Ba Vì - tỉnh Hà Tây, nay là phường Xuân Khanh – TP. Sơn Tây – TP. Hà Nội.
Sự hình thành Ban kiến thiết xưởng và Trường dạy nghề thương binh đã đặt những viên gạch hồng đầu tiên cho việc ra đời Trường Dạy nghề thương binh Việt Nam – Ba Lan (nay là Cơ sở Sơn Tây thuộc trường Đại học Lao động – Xã hội). Thật vinh dự và tự hào Trường Dạy nghề thương binh Việt Nam – Ba Lan được thành lập đúng vào ngày kỷ niệm 94 năm sinh nhật Bác Hồ kính yêu: Ngày 19/5/1984.
Để tăng cường công tác dạy nghề cho thương binh và người tàn tật; đồng thời phù hợp với xu thế đổi mới và hoà nhập quốc tế. Ngày 10/3/1993, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ký Quyết định đổi tên Trường Dạy nghề Thương binh Việt Nam – Ba lan thành trường Dạy nghề cho Thương binh và Người tàn tật Trung ương I, gọi tắt là Trường Dạy nghề Người tàn tật TWI. Trường trực thuộc Bộ LĐTB &XH có nhiệm vụ dạy nghề cho Thương binh, Người tàn tật và các đối tượng chính sách xã hội. Từ năm 1998, sau khi tái lập Tổng cục Dạy nghề, Trường được chuyển về Tổng cục Dạy nghề trực tiếp quản lý.
Trước thực tế nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hoá đất nước, ngày 14/8/2001, Bộ trưởng Bộ lao động – Thương binh và Xã hội đã ký Quyết định đổi tên, kiện toàn nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Dạy nghề Người tàn tật Trung ương I thành Trường Kỹ Nghệ I. Đây là một bước chuyển quan trọng của Nhà trường trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Và cũng từ đây, nhiệm vụ đào tạo của Nhà trường chuyển sang giai đoạn mới: Trường có 3 khoa đào tạo với các ngành nghề chính là: Điện tử, Điện dân dụng, Điện công nghiệp, Sửa chữa Ôtô-Môtô, Hàn, May và Thiết kế thời trang; cùng với 5 phòng quản lý chuyên môn, nghiệp vụ.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã mở ra một thời kỳ mới; đất nước ta chuyển mình mạnh mẽ trên con đường hội nhập và phát triển. Trong xu thế hội nhập chung đó, với tầm nhìn chiến lược về quy hoạch phát triển chung của ngành và của Trường Đại học Lao động – Xã hội; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội đã ký Quyết định sáp nhập Trường Kỹ nghệ I vào trường Đại học Lao động – Xã hội. Ngày 18/12/2006, Cơ sở Sơn Tây thuộc Trường Đại học Lao động – Xã hội được thành lập. Với nhiệm vụ chính là:
- Đào tạo nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp lao động -xã hội;
- Đào tạo nhân lực có trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề;
- Đào tạo lao động xuất khẩu và nghiên cứu khoa học về dạy nghề.
Đây vừa là cơ hội cho sự phát triển đi lên của Cơ sở, từ một trường dạy nghề, trở thành một trong ba địa điểm đào tạo của Trường Đại học Lao động- Xã hội. Đồng thời đây cũng là thách thức lớn trên tất cả các mặt mà trước hết là đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên phải thích ứng với môi trường giảng dạy mới.
Kính thưa quý vị đại biểu, thưa quý thầy, cô giáo, cùng các em học sinh - sinh viên!
Trải qua 33 năm xây dựng và trưởng thành với biết bao thăng trầm, đặc biệt là trong những năm đầu thành lập khi đất nước ta chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường; Các nước XHCN ở Đông âu và Liên xô sụp đổ; Nhà nước Ba lan gặp nhiều khó khăn nên dự án xây dựng trường không được hoàn thiện. Trường lớp xây dựng dở dang, cơ sở vật chất thiếu thốn, nguồn đầu tư, viện trợ của Nhà nước Ba Lan chủ yếu là bàn ghế và một số thiết bị cho học lý thuyết và một phần thực hành nghề Điện tử, May. Đội ngũ cán bộ giáo viên của Nhà trường lúc đầu chỉ có 10 người, phần lớn là các cán bộ kỹ thuật và nhân viên hành chính, chưa có kinh nghiệm về giảng dạy và đào tạo nghề cho Thương binh và người tàn tật (TB –NTT).
Khó khăn là vậy, nhưng tập thể cán bộ, công nhân viên chức Nhà trường bằng tâm huyết của mình đã đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt qua khó khăn, vừa xây dựng cơ sở vật chất, vừa lắp đặt trang thiết bị máy móc, vừa xây dựng tổ chức bộ máy, trong đó tập trung vào xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Đồng thời tranh thủ học hỏi kinh nghiệm của các trường đào tạo đi trước xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ làm công tác giảng dạy và khẩn trương tuyển sinh đào tạo. Do vậy, trong một thời gian ngắn lớp học đầu tiên gồm 60 học viên là Thương binh từ các Trung tâm điều dưỡng gửi về đã bắt đầu học tập. Hình thức đào tạo của Nhà trường trong giai đoạn này là đào tạo nghề ngắn hạn, theo yêu cầu và địa chỉ của các cơ sở Thương binh và các trung tâm điều dưỡng thương binh; các nghề đào tạo bao gồm: Điện tử dân dụng, Điện dân dụng, May; số học sinh này sau khi ra trường đã tự tin hơn để hoà nhập với cộng đồng.
Có thể nói, chính những năm tháng ấy là sự thử thách to lớn, qua đó Nhà trường đã tích luỹ được những kinh nghiệm hết sức quý báu trong công tác quản lý đào tạo, xây dựng nội dung chương trình, giáo trình bài giảng cho các đối tượng đặc thù và xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Bước vào giai đoạn đào tạo tập trung theo chỉ tiêu kế hoạch được giao. Nhà trường thực hiện tuyển sinh, tổ chức đào tạo và quản lý quá trình đạo tạo theo nội dung chương trình chuẩn Quốc gia. Nhà trường đã tập trung đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Đặc biệt Nhà trường đã quan tâm đầu tư cho công tác xây dựng chương trình đào tạo các nghề truyền thống và bổ sung các nghề đào tạo mới cho phù hợp với thực tiễn quá trình đổi mới của đất nước. Bên cạnh việc mở rộng các nghề đào tạo, Nhà trường còn tổ chức mở 4 lớp bồi dưỡng kiến thức tổ chức sản xuất và dạy nghề cho TB -NTT ở các cơ sở trực thuộc, các Sở LĐ-TBXH với số lượng 120 học viên là giáo viên, cán bộ quản lý; 03 lớp với số lượng 90 học viên là cán bộ, Trưởng, Phó phòng thuộc Sở, Huyện - Thị và cán bộ quản lý ở các Trung tâm xúc tiến việc làm thuộc Ngành LĐ-TBXH.
Từ năm 1998 đến năm 2006, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, Nhà trường đã tập trung chỉ đạo và làm tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Rà soát, điều chỉnh, xây dựng chương trình đào tạo 7 nghề theo hướng bám sát với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực.
- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất: phòng học lý thuyết, thực hành, khu hiệu bộ; cải tạo nâng cấp lớp học; mua sắm trang thiết bị dạy học...
- Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, trên 300 lượt giáo viên được cử đi tập huấn, học tập và tham gia các khóa đào tạo theo dự án kỹ thuật dạy nghề. Phong trào thi đua dạy tốt – học tốt được tổ chức thường xuyên: Gần 100 lượt giáo viên tham gia hội giảng cấp trường, trên 30 lượt giáo viên được công nhận là giáo viên dạy nghề giỏi cấp tỉnh, 03 giáo viên đạt giải tại hội giảng giáo viên dạy nghề giỏi cấp toàn quốc (trong đó có 02 giải nhất năm 2003 và năm 2006, 01 giải ba năm 2006). Tập thể giáo viên nhà trường đã tích cực tham gia tự làm thiết bị dạy nghề phục vụ giảng dạy và tham dự hội thi thiết bị tự làm tỉnh Hà Tây và toàn Quốc đều đạt giải cao.
Tính đến tháng 9 năm 2006, Nhà trường đã đào tạo được gần 10.000 công nhân kỹ thuật bậc thợ 3/6 & 3/7. Liên kết đào tạo với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên để mở các lớp đào tạo Kỹ sư đa ngành, cử nhân SPKT cho gần 500 học viên và đã tốt nghiệp ra trường, bổ sung nguồn nhân lực tại chỗ và cho các đơn vị trên địa bàn.
Từ tháng 10 năm 2006 đến nay, Cơ sở Sơn Tây thuộc Trường Đại học Lao động – Xã hội, phát huy truyền thống hơn 20 năm làm nhiệm vụ đào tạo nghề, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ mới là tham gia quản lý đào tạo và giảng dạy một số môn học các lớp đại học theo kế hoạch của Trường Đại học Lao động – Xã hội (gồm 9 khóa gần 2000 sinh viên), Cơ sở tiếp tục tuyển sinh đào tạo Cao đẳng nghề, trung cấp nghề với các nghề là: Điện Công nghiệp, Điện tử Công nghiệp, Công nghệ Ôtô, CN Hàn, Kế toán doanh nghiệp, Công nghệ thông tin, công tác xã hội. Tính đến nay, đã có 08 khóa cao đẳng nghề, 09 khóa trung cấp nghề tốt nghiệp với số lượng gần 2000 học sinh - sinh viên và hàng năm tiếp tục được giao chỉ tiêu đào tạo nghề. Cơ sở đã liên kết đào tạo 03 lớp liên thông từ cao đẳng nghề lên đại học với trường đại học SPKT Nam Định, trường Đại học SPKT Hưng yên.
Hơn 10 năm sáp nhập vào trường Đại học Lao động – Xã hội, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Đảng ủy – Ban giám hiệu trường Đại học Lao động – Xã hội đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn đội ngũ cán bộ giáo viên, cải tạo sửa chữa phòng học và khu nội trú từng bước đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trước mắt được giao. Đến nay, số cán bộ giáo viên có trình độ thạc sỹ là 33 ng (chiếm 35,5%), 02 giáo viên đang nghiên cứu sinh.
Thưa các quý vị đại biểu, khách quý!
Trong suốt 33 năm qua, Cơ sở Sơn Tây – Trường Đại học Lao động – Xã hội luôn khắc phục khó khăn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Để ghi nhận những thành tích của Cơ sở trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước; Cơ sở đã vinh dự được đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (năm 1998), Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2004) và nhiều bằng khen của Bộ và của Thủ tướng chính phủ.
Để có được những thành tích đó, trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ LĐ-TBXH, Tổng cục Dạy nghề, các Cục, Vụ, Viện của Bộ, Tổng cục, Đảng ủy, BGH Trường Đại học Lao động – Xã hội; Sự lãnh đạo và tạo điều kiện của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương; Sự hợp tác và phối hợp giúp đỡ của các đơn vị bạn trong và ngoài ngành và đặc biệt là sự đoàn kết, nhất trí, bền bỉ phấn đấu của các thế hệ cán bộ viên chức, giáo viên, học sinh – sinh viên trong toàn Cơ sở.
Tuy nhiên, để đáp ứng được nhiệm vụ trong tình hình hiện tại còn nhiều khó khăn, toàn thể cán bộ viên chức, giáo viên và học sinh – sinh viên toàn Cơ sở phải chủ động, tích cực phấn đấu nỗ lực hơn bao giờ hết để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân, nâng cao chất lượng làm việc; góp phần cùng với Nhà trường xây dựng Cơ sở Sơn Tây có môi trường sư phạm hiện đại, tăng cường đội ngũ cán bộ, giáo viên cả lượng và chất, hoàn thành mục tiêu đã được Đại hội Đảng bộ Nhà trường lần thứ 24 (2015 – 2020) đặt ra: Phát triển Cơ sở Sơn Tây thành địa điểm đào tạo chính của Trường Đại học Lao động – Xã hội.
Thưa các quý vị đại biểu, khách quý!
33 năm xây dựng và trưởng thành, là một chặng đường có ý nghĩa quan trọng. Những thành tích đạt được là đáng phấn khởi và tự hào; song chúng ta hiểu rằng: Đó chỉ là kết quả bước đầu trên một hành trình dài với nhiều khó khăn và trở ngại hướng đến mục tiêu ổn định và phát triển đơn vị.
Với bề dày truyền thống, và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ LĐ-TBXH, Đảng uỷ, Ban giám hiệu trường Đại học Lao động – Xã hội; sự tạo điều kiện giúp đỡ cần thiết của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, sự phối hợp và giúp đỡ của các đơn vị bạn trong và ngoài ngành, các trường Trung học phổ thông, các Trung tâm giáo dục thường xuyên; sự đoàn kết, đồng thuận, sự tận tâm, tận lực của tập thể cán bộ viên chức, giáo viên, và học sinh – sinh viên trong toàn Cơ sở, nhất định mục tiêu đó sẽ thành hiện thực.
Hôm nay, Cơ sở Sơn Tây- Trường Đại học Lao động xã hội long trọng kỉ niệm 33 năm ngày truyền thống của Cơ sở, đồng thời kỉ niệm 127 năm ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Vinh dự được thành lập đúng vào ngày sinh của Bác, tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh-sinh viên cơ sở Sơn Tây quyết tâm xây dựng Cơ sở ngày càng phát triển. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động " học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", tổ chức quán triệt học tập và thực hiện có hiệu quả nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, góp phần quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tại buổi lễ kỷ niệm hôm nay, cho phép tôi thay mặt lãnh đạo Cơ sở Sơn Tây – Trường Đại học Lao động – Xã hội xin chân thành cảm ơn lãnh đạo Bộ LĐTBXH, Tổng cục Dạy nghề, Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường đã dành cho Cơ sở Sơn Tây sự chỉ đạo sát sao và đầu tư có hiệu quả. Xin cám ơn các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, các cơ quan, các trường học trong và ngoài ngành, các đơn vị liên kết đào tạo vì sự quan tâm, giúp đỡ và phối hợp công tác trong những năm qua.
Cuối cùng, tôi xin trân trọng cám ơn quý vị đại biểu, cán bộ viên chức, giáo viên và các em học sinh - sinh viên đã có mặt trong buổi lễ kỷ niệm ngày hôm nay.
Chúc tất cả mọi người sức khoẻ – hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn./.