Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Lao động – Xã hội lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 - 2025

Nghiên cứu khoa học-Sinh viên

Một số giải pháp nhằm triển khai tốt hơn Bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa, TP Hà Nội
(09/04/2015)
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TRIỂN KHAI TỐT HƠN BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN TẠI BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẬN ĐỐNG ĐA – HÀ NỘI
 
Bên cạnh Bảo hiểm xã hội bắt buộc (BHXHBB), Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa rất sâu sắc, giúp đảm bảo cuộc sống ổn định khi về già cho người lao động. Tuy nhiên thực tế cho thấy chính sách này chưa thực sự thu hút được sự tham gia của người dân. Qua 7 năm thực hiện (2008-2014), số lượng người lao động tham gia BHXHTN trên địa bàn quận Đống Đa vẫn còn khiêm tốn. Điều này về lâu về dài sẽ gây nên gánh nặng lớn cho các chính sách an sinh xã hội bởi hàng trăm nghìn người lao động đến tuổi về hưu mà không có lương hưu. Do đó việc hoàn thiện công tác triển khai BHXHTN, khuyến khích người lao động tham gia chế độ này có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội nước ta, là nhiệm vụ cấp bách của các cơ quan BHXH, trong đó có BHXH quận Đống Đa.
Thực trạng triển khai Bảo hiểm xã hội tự nguyện tại quận Đống Đa
Thực  trạng
BHXHTN có vai trò quan trọng trong việc cân bằng quỹ BHXH trong tương lai, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho người lao động khi hết tuổi lao động. Mặc dù chính sách về BHXHTN đã triển khai được 7 năm, song số lượng người tham gia tại BHXH quận Đống Đa vẫn còn ít. Cho nên việc đánh giá tình hình triển khai BHXHTN trên địa bàn quận là hết sức cần thiết để tìm ra các biện pháp khắc phục những điểm còn yếu, phát huy những yếu tố có lợi. Đồng thời để ra những biện pháp nhằm cải thiện tình hình và thu hút được người lao động tham gia BHXHTN.  
 Bảng 1: Số người tham gia BHXHTN trên địa bàn quận Đống Đa giai đoạn 2010-2014
Đơn vị tính: Người
Chỉ tiêu
2010
2011
2012
2013
2014
Số người thuộc diện tham gia
64.479
70.061
98.408
115.084
131.388
Số người đã tham gia
403
618
885
715
858
Tỷ lệ (%)
0,62
0,88
0,89
0,62
0,65
Nguồn: BHXH quận Đống Đa
Qua bảng số liệu ta có thể thấy số lượng người lao động tham gia BHXHTN có sự gia tăng qua 5 năm, nhưng tăng không đều. Từ 403 người vào năm 2010 thì sang đến năm 2014 đã tăng thêm 455 người, gấp 2,1 lần. Tuy nhiên khi so sánh với số lao động thuộc diện tham gia thì đây vẫn là con số quá nhỏ bé. Năm 2014, số người tham gia BHXHTN chỉ bằng 0,65% số lao động thuộc diện tham gia. Bên cạnh đó, số người tham gia còn có xu hướng tăng chậm trong 2 năm cuối. Đồng thời có một bộ phận người tham gia ko tiếp tục đóng BHXHTN, khiến cho số người tham gia vào năm 2013 và 2014 thấp hơn năm 2012. Điều này cho thấy BHXHTN thời gian gần đây không thu hút được nhiều lao động mới tham gia. Một phần nữa là do hiện nay số người tham gia BHXH tự nguyện tại quận Đống Đa chủ yếu là các đối tượng đã đóng BHXH bắt buộc nghỉ việc đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng hưu trí. Cho nên khi những đối tượng này đủ điều kiện hưởng lương hưu, họ sẽ không tiếp tục tham gia nữa.
 * Tình hình công tác thu BHXHTN trên địa bàn quận Đống Đa
Bảng 2: Số thu BHXHTN tại quận Đống Đa giai đoạn 2010-2014
Đơn vị tính: Triệu đồng (trđ)
Chỉ tiêu
Số thu của BHXHTN
(trđ)
Mức tiền lương bình quân đóng BHXHTN (trđ/người/tháng)
2010
1.291,5
0,768
2011
2.013,7
0,932
2012
3.479,7
1,450
2013
4.570,8
1,905
2014
6.174,7
2,339
Nguồn: BHXH quận Đống Đa
Qua bảng số liệu ta có thể thấy số thu từ BHXHTN tăng đều qua các năm, trái ngược với sự tăng giảm không đều về số người tham gia. Sở dĩ có điều này là do chính sách tiền lương tối thiểu của Nhà nước và mức đóng BHXHTN tăng dần qua các năm. Bên cạnh đó thu nhập của người lao động cũng được cải thiện. Điều này thể hiện qua việc mức tiền lương bình quân tháng làm căn cứ đóng của người lao động tăng mạnh (mỗi năm tăng từ 400.000 đến 500.000). Trong hai năm đầu, mức TLBQ mà NLĐ chọn luôn chỉ xấp xỉ trên mức lương tối thiểu chung. Tuy nhiên đến năm thứ ba thì mức này tăng lên khá nhiều so với mức lương tối thiểu chung. Điều này cho thấy người lao động đã phần nào tin tưởng vào chính sách BHXHTN, đã chấp nhận tham gia với mức cao hơn trước.
Bên cạnh những thực trạng vừa nêu trên, tại BHXH quận Đống Đa còn tồn tại một số bất cập về quá trình thực hiện BHXHTN như sau: Theo Điều 123 và Điều 124 Luật Bảo hiểm xã hội thì sau khi NLĐ đã nộp hồ sơ theo đúng quy định BHXH nơi cư trú, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn hai mươi ngày đối với hưởng lương hưu, chế độ hưu trí và BHXH một lần, và mười ngày đối với chế độ tử tuất, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Tuy nhiên trong thực tế, đa phần những hồ sơ liên quan đến BHXH tự nguyện không được giải quyết đúng hạn như trong Luật quy định. Có nhiều trường hợp phải đi lại nhiều lần mới được giải quyết. Nguyên nhân đa phần là do thiếu giấy tờ cần thiết từ phía NLĐ, bên cạnh đó để được hưởng chế độ thì phải cần qua nhiều khâu thủ tục, mất nhiều thời gian chờ, …
Hạn chế và nguyên nhân
Được triển khai từ năm 2008 đến nay, bên cạnh những kết quả tích cực như số lượng người tham gia tăng, số thu tăng,.. thì công tác triển khai loại hình BHXH này vẫn còn nhiều hạn chế như sau:
Số lượng người tham gia trên địa bàn quận vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiền năng của quận.
·Công tác quản lý và thực hiện còn chậm được cải tiến, thời gian chờ đợi lâu, thủ tục phức tạp, rườm rà.
Có nhiều nguyên nhân gây nên những hạn chế trên, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân chưa thiết tha với việc tham gia loại hình BHXH này là do chưa nắm được hết các chính sách ưu việt, lợi ích, cũng như về quy trình, thủ tục đăng ký khi tham gia BHXHTN. Cơ quan BHXH quận chưa có những biện pháp tích cực trong việc khuyến khích người dân tham gia BHXHTN.
Thứ hai, mức đóng BHXHTN tuy được nhận xét là linh hoạt, có thể điều chỉnh theo khả năng của người đóng nhưng vẫn quy định mức thấp nhất hiện nay là bằng 22% mức lương tối thiểu chung. Tức là mỗi tháng người lao động phải đóng ít nhất 253.000đ. Đây vẫn là một khoản tiền không nhỏ đối với nhiều người lao động.
Thứ ba, điều kiện để được hưởng lương hưu là người lao động phải đóng BHXH đủ 20 năm, trong khi nhiều người đến tuổi trung niên mới có khả năng đóng BHXHTN. Cho nên nhiều người chưa tin tưởng, không đủ  động lực mạnh mẽ cũng như thời gian để tham gia và duy trì.
Thứ tư, công tác tuyên truyền về chính sách BHXHTN vẫn chưa được đầu tư triển khai sâu rộng.
Thứ năm, thủ tục tham gia BHXH tự nguyện còn phức tạp; thái độ phục vụ của một số cán bộ công nhân, viên chức chưa được tốt, gây khó khăn trong quá trình xin giấy chứng nhận, làm giấy tờ thủ tục, làm việc còn hách dịch, quan liêu, thậm chí lợi dụng vai trò, nhiệm vụ của mình để nhũng nhiễu gây cản trở cho người dân đến làm thủ tục.
Giải pháp nhằm hoàn thiện công tác triển khai BHXH tự nguyện trên địa bàn quận Đống Đa
Nâng cao nhận thức của người lao động về sự cần thiết tham gia BHXHTN
Như đã nói ở trên, nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân không tham gia BHXHTN là do họ không nắm được thông tin. Do vậy BHXH quận cần tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện đến người lao động và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của các đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm và người dân về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của BHXH tự nguyện. Trong thời gian tới, BHXH quận Đống Đa cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách đến tất cả các đối tượng, ở các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân.
Tập trung xây dựng cho được một đội ngũ cộng tác viên trong và ngoài ở một số ngành liên quan có năng lực trình độ để làm công tác hướng dẫn, tập huấn cho cộng tác viên ở cơ sở. Có thể kết hợp đội ngũ cộng tác viên hay đại lý làm công tác thu BHXH, BHYT tự nguyện để thực hiện bởi họ đã có sẵn kiến thức về các chính sách BHXH, đồng thời còn có chuyên môn nghiệp vụ trong công tác tuyên truyền.
Thiết lập nên từng nhóm đối tượng cụ thể để đưa ra cách thức tuyên truyền phù hợp. Điển hình như nhóm cán bộ xã, phường, thị trấn không chuyên trách; nhóm NLĐ tham gia BHXHBB nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhóm nông dân và những NLĐ tự tạo việc làm,… Mỗi nhóm đều có những đặc điểm riêng về trình độ, nhận thức, nhu cầu và khả năng tài chính, … cho nên không thể áp dụng cùng một phương thức tuyên truyền.
Xây dựng nội dung tuyên truyền bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXHTN; bám sát thực tiễn, nắm bắt dư luận xã hội, phát hiện những bất cập trong chính sách và triển khai thực hiện BHXHTN để khắc phục kịp thời. Hình thức tuyên truyền cần phong phú, đa đang, phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan cấp chính quyền, các hội, đoàn thể và trung tâm thông tin các ban ngành tăng cường công tác tuyên truyền Luật BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền đến tay người lao động, nhất là người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh như: Sổ tay Luật BHXH, tờ rơi, áp phích tuyên truyền BHXH tự nguyện; tổ chức các hoạt động tuyên truyền miệng thông qua các buổi sinh hoạt tập thể tại các phường.
Hoàn thiện hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực cán bộ BHXH
Hoạt động BHXH là hoạt động dịch vụ công, mang tính xã hội cao, lấy hiệu quả xã hội làm mục tiêu hoạt động. Từ thực tế cho thấy hoạt động dịch vụ BHXHTN tại quận còn nhiều bất cập. Do đó, để mở rộng và phát triển BHXHTN, BHXH quận Đống Đa cần:
Không ngừng đổi mới và tăng cường chất lượng sản phẩm, dịch vụ BHXHTN cho người lao động một cách đa dạng. Trình tự tham gia BHXH tự nguyện cần được thiết kế và thực hiện phù hợp, đơn giản, thuận tiện để người lao động dễ dàng tham gia.
Tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong quá trình thực hiện BHXHTN cho người dân. Khuyến khích người dân tố giác những hành vi sai phạm của cán bộ. Nếu trong quá trình giải quyết chính sách cho NLĐ mà phát hiện có cán bộ có hành vi sách nhiễu, cố ý gây khó khăn cho NLĐ hoặc có ý bỏ bê trách nhiệm, lười biếng thì cần phải có hình thức xử lý nghiêm khắc như hạ thi đua, phê bình trước toàn thể cơ quan,…
Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ BHXH trong việc xử lý và giải đáp các vấn đề của người lao động khi tham gia BHXHTN. Cán bộ phải thường xuyên trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin, chính sách nhằm đảm bảo hoạt động BHXHTN đạt được hiệu quả cao.
Nâng cao cơ sở vật chất phục vụ NLĐ. Ví dụ như mở một phòng chờ, chuẩn bị nước uống và sách báo để người dân vừa có thể ngồi chờ đến lượt mình một cách thoải mái, vừa có thể cập nhật và trao đổi tin tức liên quan đến các chính sách BHXH. Đồng thời cần nhắc nhở các cán bộ BHXH về thái độ ứng xử với NLĐ, cần tạo bầu không khí thân thiện, thoải mái, nhiệt tình để giúp NLĐ dễ dàng trình bày vấn đề của mình.
- Đảm bảo có kinh phí cho công tác triển khai chính sách BHXHTN, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt hoạt động trong BHXHTN. Kết nối mạng của quận vào Internet, đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ cho triển khai các dịch vụ khai báo, truy cập, trao đổi thông tin với các địa phương khác.
Hoàn thiện cơ chế chính sách
BHXH quận cần có định hướng phát triển chính sách BHXHTN cho từng giai đoạn, từng đối tượng, từng khu vực kinh tế.
Việc tham gia BHXH tự nguyện phụ thuộc rất nhiều vào thu nhập của người lao động. Với mức đóng phí BHXH tự nguyện hiện nay theo quy định bằng 22% mức tiền lương tối thiểu chung là khá cao so với người lao động thu nhập thấp, công việc bấp bênh, không ổn định. Do vậy, việc xây dựng chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho nhóm lao động này là rất cần thiết để họ có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Đồng thời cần xác định tuổi nghỉ hưu cho người người nông dân tham gia BHXHTN sao cho phù hợp với môi trường, điều kiện, ngành nghề, tính chất công việc của người lao động.
Cần nghiên cứu thêm về mức đóng- mức hưởng sao cho linh hoạt và hợp lý. Ví dụ như cho phép lựa chọn mức đóng thấp hơn, theo đó khi đến tuổi về hưu thì mức hưởng cũng sẽ thấp hơn.
Quỹ BHXHTN là một quỹ tiền tệ tập trung do người lao động tham gia đóng góp. Trong quá trình thu – chi có thể dư ra một khoản tiền nhàn rỗi. Số tiền này có thể đem đi đầu tư sinh lời, từ đó góp phần vào sự tăng trưởng và ổn định của quỹ.
Kết luận
BHXHTN là một chính sách an sinh xã hội hết sức có ý nghĩa của Nhà nước nhằm trợ giúp người lao động ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động.
Tuy vậy nhưng từ thực tế cho thấy số lượng người tham gia BHXHTN hiện nay tại BHXH quận Đống Đa là chưa cao, chưa tương xứng với lực lượng lao động hiện có tại địa bàn. Cho nên để thu hút người lao động tham gia BHXHTN, BHXH quận Đống Đa cần thực hiện tích cực các giải pháp sau đây: (1) Nâng cao nhận thức của người lao động về vai trò của BHXHTN, (2) Hoàn thiện hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực cán bộ BHXH,(3) Hoàn thiện cơ chế chính sách.

Số người truy cập: 27415501

Trường đại học lao động xã hội

43 Trần Duy Hưng - Trung Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội - ĐT :043.5564584 - Fax:043.5564584 In trang này

Giấy phép thiết lập Website trên Internet số 348/GP-BC ngày 23/11/2006 của Cục Báo Chí - Bộ Văn Hóa - Thông Tin.