Là một bang có thế mạnh về kinh tế và giáo dục, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo nghề, hiện nay, Hessen là bang có sự hỗ trợ rất lớn từ phía CHLB Đức cho các trường đào tạo nghề tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Đức là một trong số những quốc gia châu Âu mà trong hệ thống giáo dục, học đi đôi với hành đã trở thành truyền thống. Truyền đạt năng lực hành nghề tổng quát là mục tiêu của bất kỳ chương trình đào tạo nghề nào tại nước này.
Theo trình bày của đại diện bang Hessen về những kinh nghiệm trong lĩnh vực dạy nghề mà Đức có được trong hàng trăm năm qua, hình thức cơ bản nhất của công tác đào tạo nghề lần đầu là dạy nghề trong hệ thống kép, nghĩa là đào tạo kết hợp tại trường nghề và tại doanh nghiệp. Khi đăng ký học nghề, tất cả học viên ở bất kỳ độ tuổi hay trình độ học vấn nào cũng đều có thể tham gia học nghề. Trường dạy nghề và doanh nghiệp đào tạo sẽ cùng tham gia giảng dạy, đào tạo nghề cho học viên đăng ký theo học. Trong đó, trường dạy nghề và doanh nghiệp đào tạo nghề là hai địa điểm đào tạo độc lập và là những đối tác bình đẳng với nhau. Tại trường dạy nghề, học viên có thể tốt nghiệp ở các bậc trung học cơ sở nghề, trung học phổ thông nghề hoặc trung học chuyên nghiệp…
Đến nay, bang Hessen đã đào tạo được tất cả là 340 nghề, tùy theo nhu cầu mà các trường đại học tại đây đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp, đồng thời cung cấp từng lĩnh vực đào tạo khác nhau. Trong đó, có thể thấy được những cách đào tạo điển hình như: đào tạo sau đại học; đào tạo trình độ cử nhân theo yêu cầu; đào tạo bồi dưỡng nâng cao của lực lượng lao động khi họ đang làm việc tại các doanh nghiệp…Ngoài ra, phần lớn các học viên học tại các cơ sở dạy nghề tại doanh nghiệp hay thuộc lĩnh vực công đều được bố trí giờ giấc linh hoạt để họ vừa có thể vừa học nghề song song với việc học văn hóa.
Đánh giá về mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, bà Dorothea Henzler nhấn mạnh: Việt Nam và CHLB Đức không những là đối tác chiến lược mà đã thực sự là những người bạn thân thiết... Cũng tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn đã giới thiệu sơ lược về các thế mạnh trong giáo dục của bang Hessen như: Công tác đào tạo giáo viên; kiểm định chất lượng trong giáo dục; đào tạo nghề và các tiềm năng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực của các doanh nghiệp của Đức hiện đang đầu tư ở Việt Nam.
Tại bang Hessen, các trường dạy nghề và các doanh nghiệp thường có mối quan hệ mật thiết để hỗ trợ cho học viên có nhiều cơ hội tiếp xúc và cọ xát với nghề một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, khi được tiếp nhận, học viên sẽ được ký kết một hợp đồng đào tạo cũng như nhận được một khoản tiền trong quá trình học nghề. Sau 3 năm, các học viên có thể làm việc trực tiếp cho các doanh nghiệp công cũng như doanh nghiệp tư. Có thể nói, đây chính là thế mạnh trong việc đào tạo nghề của CHLB Đức bởi sư gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực.
Ngoài ra, bang Hessen còn ký hợp đồng với Chính phủ Liên bang về việc ký kết hợp tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho các giáo viên của bang trong các lĩnh vực như máy móc, tin học, điện tử…
Được biết, hiện nay có doanh nghiệp đại diện cho bang Hessen ở Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất khí ga công nghiệp, chuyên cung cấp cho các thị trường lớn như ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến doanh nghiệp đang muốn mở rộng qui mô hoạt động nên cũng đang chú trọng đến việc đào tạo nâng cao trình độ cho các kỹ sư, và trường Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên là một trong những địa chỉ mà doanh nghiệp này muốn hướng đến. Đồng thời, bày tỏ mong muốn được triển khai dự án vào tháng 8 năm nay cùng với sự góp sức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi đánh giá cao những kết quả hợp tác giữa Việt Nam, CHLB Đức nói chung và các trường đào tạo nghề của bang Hessen nói riêng trong thời gian vừa qua; đồng thời, bày tỏ sự khâm phục nền công nghiệp Đức cũng như các cơ chế, chính sách, các mô hình đào tạo và thế mạnh trong sự nghiệp phát triển dạy nghề. Thứ trưởng cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 5 triệu người trong lứa tuổi lao động trở lên, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua đã có những bước tiến đáng phấn khởi. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế tạo vẫn còn bộc lộ nhiều điểm yếu kém, đặc biệt, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn gặp nhiều bất cập. Hiện nay, yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là sự cần thiết phải tiếp thu các kĩ năng, kiến thức và các khả năng có thể cho phép mỗi người học thành công trên thị trường lao động là những điểm định hướng của đào tạo nghề tai Đức. Đó cũng chính là những điểm quan trọng mà đào tạo nghề Việt Nam cần học hỏi và hướng tới. Hiện tại, các trường dạy nghề của Việt Nam cũng đang được qui hoạch để xây dựng thành những trường dạy nghề chất lượng cao.
Tiếp đó, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn được đề xuất một số nội dung liên quan đến buổi làm việc sắp tới của đoàn Việt Nam nhân dịp đoàn có chuyến tham quan và học hỏi những kinh nghiệm quí báu từ nước bạn vào trung tuần tháng 5, đồng thời, thảo luận về nội dung cuộc Hội thảo dạy nghề các cấp khu vực sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10-2012, trong đó:
- Đào tạo nâng cao bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có thể thông qua hình thức cử người đi học ở nước bạn hoặc có thể mời các chuyên gia từ Đức về Việt Nam để truyền đạt kinh nghiệm.
- Mong muốn được hợp tác xây dựng một Học viện dạy nghề, bằng cách thông qua nhiều hình thức như qui hoạch, thiết kế, hỗ trợ đầu tư…
- Có sự liên kết đào tạo giữa bang Hessen với các trường đào tạo nghề tại Việt Nam.
Thay mặt đoàn, Bộ trưởng Dorothea Henzler khẳng định, Đức sẽ lĩnh hội tất cả các ý kiến cũng như đề xuất từ phía Việt Nam, đồng thời sẽ cố gắng thực hiện các mục tiêu Việt Nam đang muốn hướng tới. Ngoài ra, đề nghị phía Việt Nam cho biết thời gian cụ thể về lịch trình của đoàn trong chuyến tham quan sắp tới đến CHLB Đức để phía bạn có thể bố trí lịch làm việc cũng như việc ký kết các biên bản mà hai bên đã thỏa thuận.
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi cảm ơn sự quan tâm của đoàn trong quan hệ hợp tác đa phương cũng như những kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vưc đào tạo nghề. Đồng thời, bày tỏ mong muốn có hợp tác toàn diện, chặt chẽ hơn nữa giữa hai nước, giữa bang Hessen và Việt Nam trong việc phát triển công tác đào tạo nghề chất lượng cao tại các trường dạy nghề Việt Nam giai đoạn tới.
Hà Giang